Từ phòng họp của Advanced Micro Devices (AMD) ở Santa Clara, California, bà Lisa Su đôi khi nhìn ra xa, hướng về trụ sở của đối thủ Intel. Công ty của bà đã vượt đối thủ về giá trị vốn hóa từ tháng 11/2022 và hiện đạt giá trị thị trường 192,9 tỷ USD, cao hơn so với mức 130 tỷ USD của Intel.
Bà Su, 53 tuổi, sinh ra tại Đài Loan, đảm nhận vị trí CEO AMD từ 2014 giữa lúc công ty được đánh giá "khổ hơn cả cái chết", theo lời của cựu CEO công ty Patrick Moorhead. Khi đó, AMD nợ 2,2 tỷ USD, phải sa thải một phần tư nhân viên, còn giá mỗi cổ phiếu chỉ dao động ở mức 2 USD, khác xa mức 120 USD hiện tại.
Tuy nhiên, tận dụng sự kém nhạy bén của Intel cũng như chiến lược tài tình, bà Su nhanh chóng đưa AMD thoát khỏi vũng lầy. Năm ngoái, riêng mảng chip cho máy chủ và trung tâm dữ liệu mang về cho hãng 6 tỷ USD doanh thu.
Với 63 tỷ USD, doanh thu hàng năm của Intel vẫn vượt xa con số 23,6 tỷ USD của AMD. Tuy nhiên, việc chiếm ưu thế thị phần chip máy chủ khiến cổ phiếu của AMD tăng hàng chục lần trong 9 năm kể từ khi bà Su tiếp quản.
AMD hiện cạnh tranh với hai công ty lớn về thiết kế vi xử lý tiên tiến: Intel với bộ xử lý trung tâm CPU và Nvidia ở lĩnh vực chip đồ họa GPU. Giờ đây, trước làn sóng AI tạo sinh, mục tiêu của bà Su là vượt Nvidia - công ty vừa cán mốc 1.000 tỷ USD vốn hóa.
"Nếu nhìn về 5 năm tới, bạn sẽ thấy AI có trong mọi sản phẩm của AMD. Đó sẽ là động lực tăng trưởng lớn nhất", bà Su nói với Forbes.
Bà Su được nhận xét là một người thích "ép xung" bản thân - cách các game thủ vẫn làm để sức mạnh của chip vượt giới hạn do nhà sản xuất chỉ định. Không như các CEO công nghệ khác, bà có bằng tiến sĩ về kỹ thuật điện từ của MIT và là nhà nghiên cứu tầm cỡ thế giới.
Sự kết hợp độc đáo giữa thiên tài kỹ thuật, kỹ năng con người và hiểu biết về kinh doanh giúp bà trở thành một trong những CEO được trả lương cao nhất trong giới lãnh đạo công nghệ mà không phải là người sáng lập công ty. Năm ngoái, bà được trả lương 30,2 triệu USD, trong khi CEO Tim Cook của Apple nhận 3 triệu USD lương cơ bản. Khối tài sản của bà hiện trị giá 740 triệu USD, phần lớn là bằng cổ phiếu AMD.
Tham vọng cạnh tranh với Nvidia
Không như Intel không có nhiều đột phá những năm trở lại đây, Nvidia đang đạt bước tiến thần tốc nhờ vào các bộ xử lý đồ họa (GPU) dùng cho hệ thống huấn luyện siêu AI.
"AI giờ là Nvidia, Nvidia là AI nếu nói về chip cho trí tuệ nhân tạo. Đó là vị trí vững chắc và AMD cần thực sự tạo ra khác biệt nếu muốn vượt qua", Glenn O'Donnell, nhà phân tích của công ty nghiên cứu Forrester, nhận xét.
Khi tiếp quản chức CEO tại AMD, bà Su đã củng cố niềm tin của nhân viên về việc "xây dựng những thứ tốt đẹp nhất", chỉ ra ba bước trong kế hoạch cải tổ là tạo ra sản phẩm tuyệt vời, cải thiện lòng tin của khách hàng và đơn giản hóa công ty.
Chiến lược đó mang lại hiệu quả, khi các sản phẩm CPU của họ sau này có khả năng cạnh tranh với Intel. "Khi tôi có cảm giác thất vọng về chip AMD, bà ấy cho tôi căn cứ để tiếp tục tin tưởng", Antonio Neri, hiện là CEO Hewlett Packard Enterprise, nhận xét về Su.
Khi đã vượt Intel về giá trị vốn hóa, mục tiêu mới của bà Su là Nvidia. Một sự trùng hợp thú vị là Su có họ hàng xa với Jensen Huang - đồng sáng lập và CEO Nvidia. Công ty của Huang đang bán chip AI với giá hàng chục nghìn USD và giới phân tích kỳ vọng sản phẩm từ AMD sẽ được đưa ra ở mức tốt hơn, tương tự chiến lược giá so với chip Intel.
"Đó là lý do các nhà đầu tư đang để mắt tới AMD, vì họ muốn công ty trở thành 'Nvidia của người nghèo'", Stacy Rasgon, nhà phân tích tại Bernstein, nhận xét.
Nhưng bà Su không nghĩ vậy. Bà hy vọng chip AMD sẽ cạnh tranh sòng phẳng với H100 - chip AI mạnh nhất của Nvidia và có giá 40.000 USD. Thời gian qua, bà cũng đã đưa ra nhiều chiến lược, như đầu tư 5 tỷ USD cho R&D trong năm ngoái - gần bằng toàn bộ doanh thu của AMD khi bà tiếp quản cách đây 9 năm; hay chuẩn bị công bố MI300 - chip kết hợp CPU với GPU cho các hệ thống đào tạo dữ liệu, dự kiến xuất xưởng vào cuối năm. 10 siêu máy tính mạnh nhất hiện nay cũng có sự hiện diện của chip AMD, trong đó có hệ thống Frontier hàng đầu.
Bà Su cũng ngăn Nvidia thông qua các thương vụ sáp nhập. Năm ngoái, bà đã "nẫng tay trên" Xilinx, công ty sản xuất bộ xử lý có thể lập trình giúp tăng tốc tác vụ như nén video, với giá 48,8 tỷ USD.
AMD cũng hợp tác với hàng loạt công ty để cung cấp chip cho hệ thống máy tính của họ, như Google, Amazon, Meta dù những ông lớn này cũng bắt đầu sản xuất chip riêng. Trước lo ngại khách hàng sẽ trở thành đối thủ trong tương lai, bà Su khẳng định AMD có những bí quyết riêng để không bị vượt qua.
Nhưng "nữ tướng" của Nvidia cũng lo lắng khi tham gia thị trường chip AI. "Còn nhiều việc phải làm. Tôi nghĩ khi bước vào lĩnh vực này, AMD sẽ chuyển sang một giai đoạn khác. Chúng tôi cần chứng minh mình là công ty tốt, có di sản lâu dài và có những đóng góp cho thế giới", bà Su nói.
Bảo Lâm (theo Forbes)