Với giá mỗi cổ phiếu trên 404,86 USD trong phiên mở cửa ngày 30/5, Nvidia lần đầu có tên trong danh sách "câu lạc bộ nghìn tỷ USD", gồm Apple (2.760 tỷ USD), Microsoft (2.480 tỷ USD), Google (1.590 tỷ USD) và Amazon (1.230 tỷ USD).
Tuy nhiên đến cuối ngày, vốn hóa của Nvidia giảm nhẹ xuống 990 tỷ USD.
Meta cũng từng nằm trong danh sách này năm 2021, nhưng hiện giá trị của công ty còn 670 tỷ USD. Trong khi đó, công ty lớn thứ hai trong lĩnh vực bán dẫn là TSMC hiện đạt 535 tỷ USD.
Cổ phiếu của Nvidia tăng vọt từ tuần trước sau khi hãng công bố doanh thu quý đạt 11 tỷ USD, cao gấp rưỡi so với dự báo 7,15 tỷ USD trước đó.
Theo CNBC, các bộ xử lý đồ họa của Nvidia là thành phần quan trọng trong hạ tầng của nhiều nền tảng AI tạo sinh, như ChatGPT hay Google Bard. Cơn sốt AI xuất hiện ngay sau cơn sốt dùng card đồ họa đào tiền số và đã dần thay đổi suy nghĩ trước đây của nhiều người rằng card đồ họa chỉ phục vụ chơi game.
Reuters dẫn lời nhà phân tích Jim Kelleher của Argus Research rằng chính "sự phát cuồng AI" là bệ phóng đưa Nvida đến mức vốn hóa một nghìn tỷ USD. Hãng này cũng đang là đại diện tiêu biểu nhất cho ngành chip.
Từ đầu năm đến nay, cổ phiếu của Nvidia đã tăng hơn 166%. Hai công ty khác trong cùng lĩnh vực là AMD và TSMC gặt hái nhiều thành công. Trong khi đó, Intel chưa đạt mức tăng ấn tượng do đang đứng trước thách thức về hàng tồn kho, định hướng phát triển.
Bước ngoặt nhờ ChatGPT
Nvidia thành lập năm 1993 bởi ba kỹ sư Jensen Huang, Chris Malachowsky và Curtis Priem - những người dự đoán khi máy tính phát triển sẽ cần những bộ xử lý đồ họa (GPU) phức tạp hơn. Ván cược được đền đáp khi đến năm 2000, công ty giành hợp đồng lớn đầu tiên: sản xuất chip cho máy chơi game Xbox của Microsoft.
Kể từ đó, Nvidia được chú ý hơn nhờ các sản phẩm GPU cho máy tính. Khi làn sóng khai thác tiền số diễn ra những năm qua, công ty Mỹ lại tiếp tục hưởng lợi nhờ cơn khát card đồ họa.
Đầu năm 2022, công ty ra mắt H100 - bộ xử lý đồ họa GPU mạnh nhất từng chế tạo và cũng là một trong những chip đắt nhất hiện nay với giá 40.000 USD mỗi chiếc. Khi đó, giới chuyên gia nhận định Nvidia đã chọn sai thời gian công bố, bởi các doanh nghiệp đang tìm cách thắt chặt chi tiêu và sa thải nhân sự.
Nhưng tới tháng 11 cùng năm, OpenAI tung ra ChatGPT.
"Chúng tôi trải qua một năm tương đối khó khăn, nhưng bước ngoặt đến chỉ sau một đêm", Jensen Huang, CEO Nvidia, nói. "ChatGPT xuất hiện là khoảnh khắc tuyệt vời. Nó tạo ra nhu cầu ngay lập tức".
Thành công của ChatGPT nhanh chóng tạo ra cuộc chạy đua trong lĩnh vực AI. Từ các hãng công nghệ hàng đầu thế giới cho đến công ty khởi nghiệp đều tìm đến H100, mẫu chip được mô tả là "hệ thống đầu tiên trên thế giới được thiết kế cho siêu AI".
Hiện chưa có GPU nào vượt qua H100 về sức mạnh. "Đây là một trong những nguồn tài nguyên kỹ thuật khan hiếm nhất hành tinh", Brannin McBee, người sáng lập CoreWeave - công ty khởi nghiệp cơ sở hạ tầng đám mây tập trung vào AI, nói.
Trong khi đó, Jay Goldberg, nhà sáng lập công ty tư vấn D2D Advisory, cho rằng "toàn bộ thị trường chip cho siêu AI thuộc về Nvidia".
Lưu Quý