Nghệ sĩ Nhân dân Kim Cương thương tiếc ông. Với bà, soạn giả Nguyễn Phương là một cây bút sáng tác hăng hái, đề tài đa dạng, văn phong rất đời. Bà nói: "Ông chuyên bám vào thời sự xã hội nên kịch bản từ cải lương đến kịch, phim đều thấm thía tính nhân văn".
Nhiều năm cộng tác với cố soạn giả, đạo diễn Thanh Hiệp cho biết ông thích đọc sách, nghiên cứu về văn hóa, nghệ thuật và quan sát cuộc sống. Do vậy, sáng tác của ông giàu thông điệp thời sự. Ông có khả năng phân tích thấu đáo từng khuynh hướng sáng tác của cải lương thời hoàng kim. Ông để lại kho tàng nghiên cứu sân khấu cải lương qua các bài viết, chương trình audio ông thực hiện về chân dung nghệ sĩ, ký sự theo chân các đoàn hát.
Soạn giả Nguyễn Phương sinh năm 1922, tại làng Điều Hòa, tổng Thuận Trị, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là Tiền Giang). Ông gia nhập đoàn cải lương Tiếng Chuông năm 1948, bắt đầu sáng tác với bút danh Nguyễn Phương. Thời cải lương lên ngôi, ông cộng tác với các đoàn hát lớn như Tiếng Chuông (bầu Căn), Ánh Sáng (bầu Tập), Thanh Minh (bầu Lư Hòa Nghĩa), Thanh Minh - Thanh Nga (Bầu Thơ), Dạ Lý Hương (Bầu Xuân)...
Ông được giới chuyên môn đánh giá là soạn giả đa tài, nổi tiếng ở lĩnh vực sáng tác kịch bản cải lương, kịch nói lẫn phim. Ông là tác giả các bộ phim nổi tiếng như Triệu phú bất đắc dĩ, Sống đời tôi, Lệnh bà xã, Chàng ngốc gặp hên, Con ma nhà họ Hứa... Sau năm 1975, ông là chuyên viên kỹ thuật sân khấu của các đoàn hát Thanh Nga, đoàn Sài Gòn 3, đoàn Phước Chung, đoàn Hương Nam... Ông đã sáng tác hơn 100 kịch bản cải lương và kịch nói, trong đó có các tác phẩm tiêu biểu như Người mặt cháy, Chiếc lá giữa dòng, Đôi mắt người xưa, Ngã rẽ tâm tình, Bọt biển, Tình xuân muôn tuổi... Ông là soạn giả đầu tiên sáng tác kịch bản cải lương dài tập với chủ đề Bọt biển (từ tập một đến tập năm).
Nguyễn Phương từng xuất bản hồi ký Vui buồn đời nghệ sĩ, kể về những kỷ niệm, trên nẻo đường 40 năm theo sân khấu. Hồi ký gồm 24 truyện ngắn, liên quan đến những tập tục địa phương, những mẩu chuyện vui về các nghệ sĩ Hùng Cường, hề Thanh Việt, Bà Năm Sa Đéc, kép độc Trường Xuân, kép mùi Thanh Cao, hề Tám Củi, quái kiệt Ba Vân, hề Lập, Diệu Hiền, Hồng Nga, Phượng Mai... Năm 1989, ông sang Canada định cư.
Mai Nhật