Phụ nữ có gần 13% nguy cơ mắc ung thư vú trong suốt cuộc đời. Tần suất bệnh tăng 0,5% mỗi năm kể từ thập niên 1990 tính chung trên toàn cầu. Tại Việt Nam, 20 năm trước phụ nữ thường mắc bệnh ung thư cổ tử cung nhất, song nay ung thư vú có tỷ lệ cao hơn. Mỗi năm ước tính có khoảng 11.000 ca ung thư vú mới và hơn 4.500 người tử vong vì căn bệnh này. Dự đoán gánh nặng vì ung thư của phái nữ sẽ tăng trong những năm tới. Tại châu Á và Việt Nam, tỷ lệ thấp hơn nhưng xu hướng gia tăng nhanh hơn, bệnh phát hiện trễ hơn, lứa tuổi thường gặp trẻ hơn.
Bác sĩ Trần Nguyên Hà, Trưởng Khoa Nội 4, Bệnh viện Ung bướu TP HCM cho biết nguyên nhân rõ ràng gây ung thư vú hiện chưa được biết. Y học chỉ biết hormone là nguyên nhân quan trọng gây ra bệnh. Estrogen góp phần sinh ung thư vú do tăng tốc độ phân chia tế bào và phân bào, tăng sự nhạy cảm mô tuyến vú với các đột biến.
Những yếu tố nguy cơ liên quan trực tiếp đến nguy cơ phát triển ung thư vú bao gồm có kinh sớm, mãn kinh trễ, mang thai lần đầu tiên đủ tháng trễ, dùng thuốc ngừa thai... Nguy cơ ung thư vú tăng trong suốt cuộc đời của hầu hết phụ nữ. Sau mãn kinh, những yếu tố quan trọng gây ra ung thư vú là estrogen và progesteron giảm.
- Tuổi có kinh lần đầu và mãn kinh là yếu tố quan trọng nhất liên quan đến nguy cơ phát triển ung thư vú. Người lần đầu có kinh dưới 12 tuổi nguy cơ ung thư vú cao gấp 4 lần người có kinh từ 13 tuổi. Mỗi năm có kinh sớm tăng nguy cơ ung thư vú 4-5%. Mãn kinh trước 45 tuổi giảm 50% nguy cơ ung thư vú so với sau 50 tuổi. Nguy cơ ung thư vú tăng theo tuổi mãn kinh khoảng 4% mỗi năm.
- Thai kỳ làm thay đổi sự nhạy cảm mô tuyến vú với các tác nhân sinh ung. Mang thai lần đầu tiên đủ tháng trước 20 tuổi nguy cơ ung thư vú chỉ bằng một nửa người không sinh con; mang thai sau 30 tuổi nguy cơ ung thư vú cao hơn người không sinh con. Người không sinh con có nguy cơ cao hơn người sinh nhiều con.
- Nghiên cứu ở Mỹ không thấy sự liên quan giữa cho con bú và nguy cơ ung thư vú. Nghiên cứu từ các nước châu Á, bà mẹ cho con bú giảm nguy cơ ung thư vú ít nhưng có ý nghĩa. Nguy cơ ung thư vú giảm 4,3% sau mỗi 12 tháng cho con bú. Hoạt động gián phân của tuyến vú rất thấp ở người cho con bú 3 tháng đầu sau sinh.
- Khoảng 25% ung thư vú liên quan đến các yếu tố gia đình, di truyền. Người có họ hàng ở hàng thứ nhất bị ung thư vú thì sẽ tăng nguy cơ 1,5-3 lần. Đột biến gen BRCA1 và BRCA2 chiếm 1% tỷ lệ ung thư vú và không đến 20% ung thư vú mang yếu tố gia đình.
- Béo phì làm tăng nguy cơ ung thư vú ở phụ nữ mãn kinh, tăng tỷ lệ tái phát cũng như giảm thời gian sống còn của bệnh nhân ung thư vú. Có sự liên quan giữa chỉ số khối cơ thể (BMI) và tử suất ung thư vú. BMI càng lớn thì khả năng phát triển ung thư vú càng cao.
- Sau mỗi 5 năm điều trị estrogen thay thế thì nguy cơ ung thư vú tăng 10%. Sau 5 năm điều trị estrogen - progestin thay thế thì nguy cơ ung thư vú tăng cao hơn 25-40% (dùng estrogen kết hợp với progestin ở người phụ nữ không cắt tử cung để giúp bảo vệ nội mạc tử cung). Việc tiếp xúc tia xạ, xạ trị vào thành ngực liều cao cũng làm tăng nguy cơ. Các ung thư khác như ung thư nội mạc tử cung, ung thư buồng trứng, ung thư đại tràng cũng tăng nguy cơ phát triển ung thư vú. Ung thư vú có thể xảy ra đối với những người được cho là ít có nguy cơ mắc bệnh (nam giới, phụ nữ trẻ).
Ảnh minh họa: natureworldnews |
Nhiều phụ nữ đánh giá không đúng khi phát hiện những thay đổi bất thường trong vú:
- Đa số đều phủ nhận, phớt lờ và âm thầm chịu đựng mong bệnh sẽ qua đi.
- Sợ đánh mất các mối quan hệ, tình cảm khi biết mình bị ung thư.
- Sợ hoặc ngại điều trị, lo sợ mất vú hoặc ngại phải để lộ cơ thể khi điều trị.
- Không tự quyết định được hướng giải quyết, nghe theo cách không đúng của người khác.
- Tìm cách “trị” bằng các phương pháp phản khoa học càng khiến bệnh tiến triển nhanh hơn như đắp lá, rút mủ, lấy “cùi”...
Ung thư vú thường không có triệu chứng, nhưng đôi khi người phụ nữ có thể tự nhận thấy có vấn đề bất thường ở vú của mình. Các dấu hiệu và triệu chứng để được nhận thấy gồm:
- Một cục không đau ở vú.
- Thay đổi kích thước hoặc hình dạng vú.
- Sưng ở vùng nách.
- Núm vú thay đổi hình dạng hoặc tiết dịch.
Đau ngực cũng có thể là một triệu chứng của bệnh ung thư, nhưng điều này không phải là phổ biến.
Triệu chứng nghi ngờ ung thư vú là da vú dày lên hoặc lồi lõm hay lún. Đau hoặc ngứa ở vú hoặc chảy dịch ở núm vú. Đỏ da ở vú. Vú sưng to lên hoặc phì đại. Nổi hạch nách hoặc vùng cổ. Triệu chứng thường gặp là một hạt cứng không đau.
Phát hiện sớm ung thư vú trước khi có các triệu chứng sẽ dễ dàng hơn cho việc điều trị khỏi. Tùy theo từng giai đoạn của bệnh, yếu tố tiên lượng, bệnh lý đi kèm, hoàn cảnh cụ thể và mong muốn của người bệnh mà bác sĩ sẽ áp dụng cách thức điều trị sao cho phù hợp nhằm đem lại hiệu quả cao nhất. Theo bác sĩ Trần Văn Thuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện K, nếu được phát hiện ở giai đoạn đầu có thể chữa khỏi bệnh tới hơn 80%. Ở giai đoạn 2, tỷ lệ này 60%, sang giai đoạn 3 khả năng khỏi hẳn thấp và đến giai đoạn 4 thì thường việc điều trị chỉ để kéo dài cuộc sống, giảm bớt các triệu chứng đau đớn.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Diệp Bảo Tuấn, Phó Giám Đốc Bệnh viện Ung Bướu TP HCM cho biết điều trị ung thư vú hiện nay đã có những bước tiến lớn về phương pháp điều trị như phẫu thuật, xạ trị, hóa chất và kết hợp với các phương pháp điều trị khác như liệu pháp nội tiết tố, liệu pháp sinh học (điều trị nhắm trúng đích) và thực tế đã cải thiện đáng kể chất lượng điều trị ung thư vú. Tuy nhiên, yếu tố then chốt vẫn là việc điều trị khi ung thư đang ở giai đoạn sớm. Giai đoạn của bệnh lúc được chẩn đoán càng sớm thì dự hậu của bệnh nhân càng tốt. Chính vì vậy, việc tầm soát và phát hiện sớm ung thư vú ngay khi phụ nữ sang độ tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao (từ độ tuổi 40 trở lên) là rất quan trọng.
Hưởng ứng tháng hành động phòng chống ung thư vú trên toàn cầu, 12.000 phiếu tầm soát ung thư vú miễn phí cho phụ nữ Việt Nam từ 40 tuổi trở lên. Đăng ký tại TP HCM (08) 3911 2011, Hà Nội 091.393.6658, các bệnh viện K, Ung bướu Hà Nội, Bạch Mai, Ung Bướu TP HCM, Nhân dân 115, Quốc tế City, Chợ Rẫy, Quận 2, Quận Thủ Đức... |
Lê Phương