Năm 2010, tỷ lệ trẻ Việt thấp còi đến 29,3%. Năm 1990 tỷ lệ này là 56,5%. Như vậy, số trẻ suy dinh dưỡng thấp còi đã giảm mạnh trong vòng 20 năm qua.
Tỷ lệ thấp còi trẻ Việt Nam hiện dưới 20%, được xếp vào mức trung bình theo phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). So các nước trong khu vực, tỷ lệ này của Việt Nam thấp hơn nhiều, ví dụ Lào khoảng 33%, Indonesia 31%, Philippines 30%, Malaysia là 21%.
Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi năm 2020 là 11,5%. Năm 1990, tỷ lệ này là 41%. Khi ấy, Liên Hợp Quốc đặt mục tiêu Thiên niên kỷ (MDGs) đối với tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi đến năm 2015 là 20%. Tuy nhiên năm 2008, tỷ lệ này đã giảm còn 19,9%. Với kết quả này, giới chuyên môn đánh giá Việt Nam về đích trước 7 năm so với mục tiêu MDGs của Liên Hợp Quốc.
MDGs do Liên Hợp quốc đề ra bao gồm 8 mục tiêu, các nước thành viên cố gắng đạt được vào năm 2015. Mỗi MDGs có các chỉ số để theo dõi tiến độ phát triển so với năm 1990, liên quan trực tiếp đến sức khỏe.
Tuy nhiên, theo kết quả Tổng điều tra dinh dưỡng 2019-2020, vẫn còn sự chênh lệch giữa các vùng miền về tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi. Đặc biệt, ở các vùng nông thôn và miền núi, trẻ em suy dinh dưỡng thấp còi vẫn ở mức cao.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhận định suy dinh dưỡng các thể vẫn còn tồn tại dai dẳng, đặc biệt là ở những vùng khó khăn, có dân tộc thiểu số sinh sống. Suy dinh dưỡng bao gồm thiếu dinh dưỡng ở bà mẹ và trẻ em liên quan đến an ninh thực phẩm, hộ gia đình, thiếu các vi chất dinh dưỡng như sắt, kẽm, vitamin A, i-ot.
Theo số liệu, tình trạng thiếu kẽm vẫn còn cao, nhất là ở đối tượng nhóm có nguy cơ cao như trẻ em, bà mẹ. Ở trẻ em, tỷ lệ là 58%, ở phụ nữ có thai là 63,5%. Tỷ lệ này vẫn còn rất cao đối với trẻ em ở miền núi phía Bắc (gần 68%) và Tây Nguyên (gần 67%) và còn cao hơn ở đối tượng phụ nữ có thai ở miền núi phía Bắc (gần 82%) và Tây Nguyên (gần 64%). Đặc biệt ở khu vực thành phố 5 năm qua (2015-2020) tỷ lệ thiếu kẽm ở trẻ em 6 đến 59 tháng tuổi ở mức cao (gần 50%%) so với tiêu chuẩn và hầu như không cải thiện.
Tỷ lệ thiếu vitamin A ở nhóm trẻ 6 đến 59 tháng tuổi trên cả nước giảm xuống 9,5%. Tỷ lệ này cao nhất ở khu vực miền núi phía bắc (gần 14%) và Tây Nguyên (11%). Tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ em 5 đến 9 tuổi là 4,9%, ở mức nhẹ về ý nghĩa sức khỏe cộng đồng theo đánh giá của WHO.
Chương trình can thiệp uống viên nang vitamin A liều cao nhiều thập kỷ qua nhưng tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ em 6 đến 59 tháng tuổi vẫn còn ở mức nhẹ, giảm chậm trong những năm gần đây.
Ông Tuyên cho biết chiến lược dinh dưỡng cho giai đoạn mới lần này sẽ tăng cường đầu tư cho các can thiệp dinh dưỡng thiết yếu trong 1.000 ngày vàng, bao gồm dinh dưỡng trước, trong khi mang thai, dinh dưỡng bà mẹ cho con bú, nuôi con bằng sữa mẹ và ăn bổ sung hợp lý.