Ngày 24/11, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ xác nhận chiến đấu cơ F-16 của nước này đã bắn rơi một máy bay ném bom tấn công Su-24 của Nga tại khu vực biên giới với Syria, sau khi cáo buộc phi cơ này xâm phạm không phận.
Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ cho hay hai chiếc Su-24 của Nga đang tham gia chiến dịch không kích phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Syria đã phớt lờ nhiều tín hiệu cảnh báo xâm phạm không phận, buộc không quân Thổ Nhĩ Kỳ phải bắn rơi một chiếc, đồng thời khẳng định Ankara có "thông tin chứng minh hành động xâm phạm".
Bộ Quốc phòng Nga xác nhận thông tin chiếc Su-24 bị bắn rơi "bằng hỏa lực từ mặt đất khi đang bay ở độ cao 6.000 mét, nhưng khẳng định chiếc máy bay ném bom này không rời khỏi không phận Syria trước khi đâm xuống mặt đất, và phía Nga có dữ liệu bay để chứng minh điều đó.
Hiện vẫn chưa rõ chiếc Su-24 này có bay vào không phận Thổ Nhĩ Kỳ và bị phi đội phản ứng nhanh F-16 của nước này bắn hạ hay không, nhưng các chuyên gia quân sự cho rằng trong tình huống đối đầu, Su-24 khó có thể thoát được trước hỏa lực và khả năng cơ động của F-16.
Su-24 là loại máy bay ném bom tấn công được chế tạo và phục vụ trong không quân Nga từ thập niên 1970 đến nay. Loại máy bay cánh bằng hai động cơ này được thiết kế để thực hiện các nhiệm vụ ném bom cực thấp, và không được tối ưu hóa để tham gia các cuộc không chiến.
Buồng lái Su-24 có hai chỗ ngồi, một cho phi công và một cho sĩ quan kiểm soát hỏa lực. Chiếc máy bay ném bom này có thể bay với vận tốc tối đa 1.550 km/h, mang theo tới 8 tấn vũ khí tấn công mặt đất như bom thông thường, bom laser KAB-500, các loại tên lửa không đối đất và khẩu pháo GSh-6-23 có cơ số đạn 500 viên.
Để có thể tự bảo vệ mình khi thực hiện nhiệm vụ không kích, Su-24 được trang bị hai tên lửa không đối không R-73 có tầm bắn 20-30 km, dẫn đường bằng hồng ngoại.
Uy lực không chiến của 'ngựa thồ' F-16
Trong khi đó, máy bay chiến đấu phản lực đa nhiệm F-16 là một trong những loại tiêm kích thành công nhất thế giới. Với khả năng tấn công mặt đất uy lực và sức cơ động linh hoạt trong không chiến, F-16 hiện được trang bị trong không quân 24 nước trên thế giới, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo chuyên gia quân sự Dave Majumdar của National Interest, không quân Thổ Nhĩ Kỳ hiện có tổng cộng 240 tiêm kích F-16, trong đó có 8 chiếc tự sản xuất theo hợp đồng chuyển giao công nghệ của Mỹ. Nước này cũng đang sản xuất 30 chiến đấu cơ F-16 Block 50+ mới nhất, đồng thời nâng cấp các tiêm kích F-16 hiện có lên chuẩn Block 50+.
Với vai trò là một máy bay chiến thuật đa nhiệm, F-16 được thiết kế để trở thành một loại "ngựa thồ" đa năng, có thể thực hiện được cả các nhiệm vụ ném bom mục tiêu mặt đất lẫn đánh chặn trên không. Tuy chỉ được trang bị một động cơ, nhưng với hình dáng khí động học và hệ thống điều khiển điện tử hiện đại, F-16 có thể đạt vận tốc tối đa 2.400 km/h, cao hơn nhiều so với Su-24.
Các mấu cứng dưới cánh của F-16 có thể được gắn các loại bom và tên lửa khác nhau, từ không đối đất để thực hiện nhiệm vụ không kích, cho tới tên lửa không đối không để thể hiện vai trò đánh chặn, không chiến. Đáng sợ hơn, chiếc tiêm kích này gần như lúc nào cũng mang theo hai tên lửa AIM-9 Sidewinder ở hai đầu cánh, và một khẩu súng M-61 Vulcan 511 có cơ số đạn 511 viên ở gốc cánh trái.
Tên lửa AIM-9 Sidewinder có tầm bắn tối đa 35,4 km, đạt vận tốc Mach 2,7 (cao hơn so với vận tốc Mach 2,5 của tên lửa R-73 trên Su-24), được trang bị cơ chế dẫn đường hồng ngoại hoặc radar bán chủ động.
Các phiên bản F-16 Block 50+ được trang bị tên lửa không đối không hiện đại hơn là AIM-120 AMRAAM, có tầm bắn 75-180 km tùy phiên bản, đạt vận tốc lên tới Mach 4, và có cơ chế dẫn đường quán tính và radar chủ động.
Với những ưu thế vượt trội này, các chuyên gia quân sự đánh giá F-16 hoàn toàn vượt trội so với máy bay ném bom tấn công Su-24 vốn không hề mạnh về không chiến.
Đây không phải là lần đầu tiên F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ đối đầu với Su-24 của Nga. Hồi đầu tháng 10, phi đội F-16 phản ứng nhanh của Thổ Nhĩ Kỳ đã xuất kích để ngăn chặn một chiếc Su-24 và một chiến đấu cơ Su-30SM của Nga xâm phạm không phận. Nga sau đó giải thích rằng hai máy bay này bay lạc sang biên giới Thổ Nhĩ Kỳ do "lỗi định hướng".
Theo ông Joseph Dayan, phụ trách thị trường tại BCS Financial Group ở London, vụ Su-24 bị bắn rơi này sẽ gây ra những căng thẳng nhất định giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga, đối tác thương mại lớn thứ hai của họ, đồng thời làm phức tạp thêm tình hình ở Trung Đông, trong bối cảnh Nga và Pháp đang tăng cường chiến dịch không kích chống IS.
"Nếu quan hệ hai nước tan vỡ sau sự cố này, nó sẽ có ảnh hưởng rất lớn về chính trị và kinh tế. Dù sao hai nước không hề có lợi khi cắt đứt hoàn toàn quan hệ, thế nên khả năng đối đầu quân sự hay đóng băng hoạt động thương mại giữa hai bên là khó xảy ra", ông Dayan nhấn mạnh.
Trí Dũng