"Tôi sẽ ở nhà ít nhất hai tuần nữa", Tuấn Anh, họa sỹ tự do ở quận 5, nói, dù đã tiêm đủ hai mũi vaccine. Anh đã mất một người quen do Covid-19, họ hàng cũng có ba người nhiễm.
Tin Sài Gòn mở cửa trở lại đem lại cho anh cảm giác lẫn lộn, vui bởi thành phố đang hồi phục, nhưng sợ vì nguy cơ dịch bệnh vẫn lơ lửng. Anh họa sỹ 32 tuổi thậm chí chưa sang nhà ngoại để gặp vợ, dù đi xe 15 phút là tới. Đợt giãn cách xã hội, họ tách ra để chăm sóc bố mẹ hai bên.
Ở Hà Nội, chỉ thị giãn cách đã được nới lỏng chục hôm song Trần Ngọc Hiền cũng chưa thể làm quen với "bình thường mới". Tối 21/9, nghe sếp báo đi làm lại, nữ nhân viên văn phòng 25 tuổi dành 30 phút chọn quần áo cho ngày "tái xuất". Nhưng sự háo hức này biến mất ngay sáng hôm sau, lúc cô rời khỏi căn hộ ở quận Cầu Giấy.
7h sáng, thang máy đã có 5-6 người, thay vì 1-2 người như hồi còn giãn cách. "Họ còn nói chuyện nữa dù thang máy vẫn dán thông báo không nói chuyện", Hiền kể. Cô quyết định không bước vào mà đứng chờ thang kế tiếp.
Ngoài cảm giác khó chịu mỗi lần thấy thang máy đầy, Hiền kể, cô còn có cảm giác sợ nếu bị người khác vô tình huých phải. Cô không dám đi mua trà sữa, món uống ưa thích, vì mỗi lần đi qua cửa hàng đều thấy 6-7 shipper xếp hàng. "Em còn nghĩ đến việc xin làm việc từ xa tiếp để đỡ phải ra ngoài", Hiền thổ lộ.
Theo tiến sĩ tâm lý Nguyễn Cao Minh, giảng viên Đại học Giáo dục Hà Nội, chuyện của Hiền và Tuấn Anh không quá hiếm hoi, đặc biệt trong bối cảnh bệnh dịch.
Theo kết quả khảo sát của Trường Đại học Y Dược Huế đăng trên Tạp chí Quốc tế về Nghiên cứu Môi trường và Y tế công cộng tháng 4/2021, phần lớn người dân bày tỏ nỗi lo lắng về nguy cơ nhiễm bệnh. Trong đó, hơn 21% lo lắng ở mức vừa và cao cho bản thân, gần 27% lo lắng ở mức vừa và cao cho thân nhân.
Đôi khi, nỗi sợ ra đường chỉ là "phần nổi của tảng băng", theo tiến sĩ Nguyễn Cao Minh. Dưới góc độ sức khỏe tâm thần, không ra ngoài khi chính phủ đã cho phép có thể là biểu hiện của một số vấn đề như lo âu nghi bệnh, lo âu lan tỏa (sợ mọi thứ), ám sợ đặc hiệu (sợ cụ thể một thứ) và ám sợ xã hội.
Các vấn đề trên có điểm chung là sự sợ hãi, lo lắng quá mức nhưng nội dung lại khác biệt. Lo âu nghi bệnh, lo âu lan tỏa, ám sợ đặc hiệu đều lo sợ cùng về một thứ mà trong bối cảnh hiện tại là Covid-19 với nguy cơ nhiễm bệnh, bị cách ly, bị ảnh hưởng. Trong khi đó, người mắc ám sợ xã hội ngại tiếp xúc, giao tiếp trong các tình huống xã hội.
"Covid-19 khiến tất cả mọi người bị stress. Mức độ stress càng cao, các vấn đề tâm thần càng dễ khởi phát hoặc tăng nặng", tiến sĩ Minh nói. Khảo sát của Đại học Y Dược Huế cho thấy hơn 16% người tham gia đánh giá chỉ số hạnh phúc của mình ở mức kém. Nhiều văn phòng tâm lý ghi nhận tình trạng khách tăng đột biến. Một cơ sở ở quận Ba Đình (Hà Nội) cho biết từ đầu năm 2021 đến nay, lượng khách tìm đến tăng gấp ba. Phòng tham vấn tâm lý khác ở quận Thanh Xuân tiết lộ chỉ riêng tháng 6/2021, lượt người đến kiểm tra sức khỏe tâm thần tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó 60% có biểu hiện bất ổn cần sự trợ giúp.
Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Đỗ Hồng Nhung, giảng viên Đại học Thái Nguyên cho biết một số người mắc Covid-19 lo lắng về nguy cơ tái nhiễm hoặc kỳ thị. Cũng có bệnh nhân sợ mình trở thành nguồn lây bệnh cho người khác. Đỗ Thành Long ở quận Bình Tân, TP HCM, là một ví dụ. Dù đã khỏi bệnh từ tháng trước, chàng trai 20 tuổi vẫn quyết định giữ khoảng cách với cộng đồng bằng cách nghỉ hẳn công việc tại nhà máy, ở nhà phụ bố mẹ bán hàng.
Ngoài ra, một số người hưởng lợi từ đợt giãn cách chưa sẵn sàng từ bỏ những lợi ích đó. Điều này dễ nhận thấy ở những nhân viên có thể làm việc từ xa mà lương giữ nguyên như Nguyễn Thùy Linh, trú tại huyện Nhà Bè. "Làm việc ở nhà thì không phải trang điểm, cũng không tốn hai tiếng di chuyển mỗi ngày", cô nhân viên truyền thông 29 tuổi nói.
Đáng lưu ý, dù xuất phát từ nguyên nhân nào, việc không muốn ra đường sau giãn cách ảnh hưởng đến cả cá nhân lẫn những người xung quanh. Tuấn Anh khuyên vợ đừng vội đi làm bởi nhiều người ở cơ quan cô chưa tiêm mũi vaccine thứ hai, từ đó dẫn đến những trận cãi cọ của hai vợ chồng. Những nhân viên vẫn muốn làm từ xa như Hiền, Linh thì có thể khiến công việc chung đình trệ và tinh thần tập thể đi xuống.
Để xoa dịu nỗi lo ra đường sau giãn cách của người dân, tiến sĩ Nguyễn Đỗ Hồng Nhung khuyến nghị các cơ quan, tổ chức cần hình thành bộ quy tắc ứng xử mới. Bộ quy tắc này tôn trọng nhu cầu bảo vệ sức khỏe của người khác, không tung tin đồn, không kỳ thị người mắc Covid-19 đã khỏi bệnh, linh hoạt về hình thức làm việc (trực tiếp, trực tuyến), hỗ trợ nhân viên nếu họ ở trong vùng dịch hay chi phí xét nghiệm, điều trị hay giấy đi đường.
Về phần cá nhân, tiến sĩ Nguyễn Cao Minh cho rằng đầu tiên, mỗi người cần nhận ra vấn đề của mình xuất phát do nguyên nhân nào. Nếu sợ nhiễm bệnh, bạn hãy hạn chế đọc thông tin không chính thống hoặc tin đồn trên mạng xã hội và xem xét tìm đến sự trợ giúp chuyên nghiệp. Nếu có vấn đề như ám sợ xã hội từ trước, bạn hãy làm quen lại với cuộc sống một cách từ từ như ra chỗ vắng người, sau đó tới nơi đông người. Nếu thấy lâu không giải quyết được vấn đề, bạn nên cân nhắc đi khám/trị liệu tâm lý.
"Điều quan trọng là hiểu rằng mọi thứ đều có mặt tích cực lẫn tiêu cực. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta vẫn có thể kiểm soát bản thân", ông Minh khuyên.
Đó cũng là bài học mà anh Nguyễn Phan Bình, 31 tuổi. ở quận 1, TP HCM rút ra. Lúc phát hiện mình nhiễm Covid-19 vào tháng 8, anh "sợ lây cho người nhà, sợ không được tiếp cận được y tế, sợ trở nặng và sợ chết".
Nhìn gia đình và bạn bè sốt sắng giúp đỡ, lại là trụ cột trong nhà, anh Bình tự trấn an và hiểu rằng nỗi sợ chẳng giúp ích gì cho mình. Sau tám ngày sốt cao, anh dần hồi phục.
Sài Gòn mở cửa trở lại, cảm xúc duy nhất của anh Bình là háo hức. Là một người nhiễm đã khỏi, anh biết mình thuộc nhóm an toàn. Anh cũng không ngại bị kỳ thị bởi cho rằng mọi lời đàm tiếu đều do thiếu hiểu biết, cần được cập nhật thông tin. Quan trọng nhất, ra ngoài đồng nghĩa với cơ hội làm việc, nhất là khi anh Bình hoạt động trong lĩnh vực lưu trú và nhiếp ảnh.
"Sự vững vàng và lạc quan chiếm đến hơn 50% cuộc chiến này", anh Bình đúc kết.
Minh Trang