Tuấn Anh sang Mỹ cách đây năm năm, khi còn học phổ thông. Năm nay, đáng lẽ cậu không về nước, song do dịch bệnh, bố mẹ mua vé về Việt Nam cho cậu từ đầu tháng 3.
Năm năm xa nhà, Việt Nam với cậu không còn quen thuộc nữa. Chàng trai trẻ mất thói quen tâm sự bằng tiếng Việt. Phần lớn bạn cậu là người Mỹ, hoặc nếu là người Việt thì cũng định cư ở nước ngoài từ lâu.
Về Việt Nam, Tuấn Anh vẫn phải sinh hoạt theo múi giờ Mỹ vì cậu còn các lớp online. Lối sống thức đêm, ngủ ngày khiến cơ thể mệt mỏi, trong khi bố mẹ hiểu lầm và phàn nàn vì cho rằng con lười nhác, "chỉ biết ngủ".
Không biết có phải vì dịch bệnh hay vì lý do khác mà Tuấn Anh còn vấp phải sự kỳ thị từ chính những người họ hàng. Những năm trước, mỗi lần cậu về, họ hàng đều đến chơi, hỏi thăm thì năm nay hoàn toàn trái ngược. Dù đã kết thúc 14 ngày tự cách ly ở nhà, Tuấn Anh vẫn không thấy cô chú qua chơi, thậm chí không ai gọi điện cho cậu.
"Em không hiểu mình đã làm gì sai. Sao năm trước họ quý em mà năm nay không quý nữa?", Tuấn Anh nói.
Tuấn Anh muốn quay sang Mỹ nhưng tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp khiến cậu không biết ngày nào mới trở lại. Cảm thấy bế tắc và tuyệt vọng, Tuấn Anh tìm đến rượu vang và thuốc lá, những thứ từng khiến cậu bình tâm hơn. Nhưng nay, chúng cũng không còn tác dụng mà chỉ khiến cậu "càng chìm đắm". Chẳng biết làm cách nào khác, Tuấn Anh quyết định đi khám tâm lý.
Trần Thu Phương, 29 tuổi, nhân viên văn phòng ở quận Ba Đình, cũng rơi vào trạng thái tương tự dù đang sống cùng chồng.
Những ngày cách ly xã hội, trong khi chồng cô - một nhân viên giao hàng - vẫn đi làm đều đặn, Phương quẩn quanh trong căn hộ 29 m2, chỉ ra ngoài ba ngày một lần để mua đồ ăn. Không còn những bữa ăn trưa với đồng nghiệp hay những buổi cà phê, mua sắm với bạn bè.
Cũng như Tuấn Anh, cô không biết tâm sự cùng ai. Đồng nghiệp và bạn bè thân thiết của Phương đều có con nhỏ nên khi ở nhà, họ càng bận bịu, "nói được vài câu đã phải tắt máy". Cô thử bày tỏ với chồng nhưng sau một ngày đi khắp thành phố giao hàng, anh không còn sức lắng nghe vợ, bảo cô "nghĩ linh tinh" và gạt đi.
Cảm giác "cả thế giới không ai lắng nghe mình", Phương tự giải khuây bằng cách mua truyện về đọc. Trong năm ngày, cô tiêu hết 7 triệu đồng tiền sách nhưng xem mãi cũng chán. Nhiều lúc, Phương chỉ biết ôm và nói chuyện với con mèo. Cô chán ăn, "chật vật mới hết một bát cơm". Mỗi đêm, Phương ngủ 3-4 tiếng rồi tỉnh giấc, khóc.
Một tuần trôi qua, Phương sụt 3 kg. Biết chuyện, một người quen gợi ý cô đi khám tâm lý.
Cô đơn là cảm giác thường gặp, nhất là trong bối cảnh đại dịch và cách ly xã hội. Hơn nữa, người Việt có văn hóa cộng đồng mạnh nên càng dễ cô đơn khi thiếu tiếp xúc xã hội.
Theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Tú An (Hà Nội), cô đơn thường có những biểu hiện giống trầm cảm như buồn, thiếu năng lượng, mất tự tin, cảm thấy trống rỗng chán ăn hoặc ăn quá nhiều, hay nóng giận, sử dụng chất kích thích.
Cô đơn dẫn đến nhiều hệ quả nghiêm trọng. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối tương quan giữa cô đơn và các vấn đề sức khỏe như bệnh tim mạch, đột quỵ. "Trong thời gian cách ly xã hội, nếu những dấu hiệu cô đơn kéo dài trên một tuần, bạn cần tìm kiếm sự giúp đỡ, nếu không có thể sẽ rơi vào trầm cảm", bà An nói.
Theo tiến sĩ Nguyễn Cao Minh (Viện Tâm lý học Việt Nam), mỗi người bị hoàn cảnh tác động theo cách khác nhau, có người vui nhưng có người bất ổn. Nhìn chung, người hướng ngoại, thích giao tiếp với nhiều người, thích cuộc sống sôi động hoặc quen làm việc trong khuôn khổ thì sẽ gặp nhiều vấn đề hơn.
Không phải cứ ở một mình mới cô đơn. "Cô đơn là cảm giác chủ quan về sự cô lập xã hội. Bạn có thể ở cạnh người khác nhưng vẫn thấy mình không có kết nối và không được hỗ trợ", tiến sĩ Minh lưu ý. Như trường hợp Tuấn Anh và Thu Phương, dù sống cùng gia đình nhưng nỗi cô đơn vẫn trầm trọng bởi sự thờ ơ của người thân.
Để giảm bớt cảm giác cô đơn giữa đại dịch, tiến sĩ Minh khuyên mỗi cá nhân nên tự hỏi bản thân xem mình cần gì, sau đó lên kế hoạch những việc có thể làm và thực hiện kế hoạch đó.
"Càng không muốn làm gì càng chìm dần vào sự chán nản mà không thoát ra được", ông Minh lý giải. "Đừng bị phụ thuộc vào tâm trạng mà hãy chủ động hơn, hành động trên một kế hoạch sẵn có. Đừng nghĩ rằng phải đợi đến lúc vui mới nói chuyện với người khác mà hãy nghĩ mình cứ nói chuyện với người khác đi rồi sẽ vui".
"Hãy trò chuyện qua điện thoại, email, mạng xã hội. Cách ly xã hội trên thực tế chỉ là cách ly về mặt thân thể chứ không thể cách ly tinh thần", ông Minh nhấn mạnh.
Còn theo bà An, muốn giữ tinh thần khỏe mạnh, mỗi người trước tiên hãy duy trì nếp sinh hoạt lành mạnh. Tiếp đến, người cô đơn nên làm điều gì đó mới mẻ, ví dụ chưa bao giờ ăn cá thì giờ hãy thử.
Điều quan trọng nhất là chia sẻ cảm xúc. Các thành viên gia đình nên chủ động hỏi thăm nhau về những gì xảy ra trong ngày và để ý xem có ai xuất hiện những dấu hiệu bất thường không, ví dụ như đột nhiên chán ăn hoặc ăn quá nhiều.
"Đừng nghĩ rằng mình ổn thì người khác cũng phải ổn. Hãy tôn trọng cảm xúc của mọi người và lắng nghe nếu họ thể hiện nhu cầu trò chuyện", bà An khuyên.
Minh Trang