Hiến pháp Mỹ biến quốc hội trở thành trọng tài cuối cùng xác định ứng viên tổng thống nào giành chiến thắng ở từng bang. Quốc hội phải thông qua kết quả bầu cử từ tất cả 50 bang.
Nhiều người vẫn cho rằng 3/11 là ngày quan trọng nhất trong lịch bầu cử Mỹ năm nay. Tuy nhiên, còn một ngày khác quan trọng hơn là 14/12, được quy định trong Đạo luật Tính Đại cử tri 1887.
Quốc hội Mỹ thông qua đạo luật trên sau cuộc bầu cử gây tranh cãi năm 1876 giữa tổng thống đảng Cộng hòa Rutherford B. Hayes và ứng viên đảng Dân chủ Samuel Tilden. Cả hai đảng đều tuyên bố chiến thắng ở Florida, Nam Carolina và Louisiana, trong khi ở Oregon, một đại cử tri bị tuyên bố là không hợp lệ, khiến số phiếu đại cử tri cho từng ứng viên không được xác định rõ ràng.
Một cuộc chạy đua nước rút đã diễn ra nhằm giải quyết việc tính phiếu đại cử tri trước ngày nhậm chức vào 4/3/1877. Quốc hội thành lập một "ủy ban đại cử tri" để giải quyết các vấn đề phát sinh và Đạo luật Tính Đại cử tri ra đời.
Đạo luật quy định rằng không quá 41 ngày sau ngày bầu cử, các bang phải chọn xong đại cử tri. Đạo luật còn đề ra một ngày "an toàn" để các bang kết thúc việc kiểm phiếu và chọn đại cử tri sớm.
"Chứng nhận" đại cử tri sẽ được các bang gửi tới Đồi Capitol vào tháng 12. Điều này là nhằm chuẩn bị cho Hạ viện và Thượng viện gặp nhau trong một phiên họp chung của quốc hội vào ngày 6/1 để chính thức xác nhận kết quả phiếu đại cử tri.
Giả sử Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, đảng viên Dân chủ bang California, được bầu lại, bà và Phó tổng thống Mike Pence, với tư cách chủ tịch Thượng viện, sẽ đồng chủ trì phiên họp chung. Nhiệm kỳ của cả Pence và Trump đều chưa chấm dứt cho tới ngày 20/1 và Tu chính án thứ 12 Hiến pháp Mỹ yêu cầu "Chủ tịch Thượng viện, trước sự chứng kiến của Thượng viện và Chủ tịch Hạ viện, mở tất cả các giấy chứng nhận và chúng sẽ được đếm".
Điểm nêu trên trong Hiến pháp đã gây tranh cãi trong giới học giả suốt nhiều thập kỷ. Tu chính án thứ 12 không quy định các phiếu đại cử tri được tính như thế nào. Đó là lý do mọi việc có thể trở nên khó khăn.
Tu chính án thứ 12 đồng thời quy định "người có phiếu đại cử tri cao nhất sẽ trở thành tổng thống". Nhưng quốc hội phải phê chuẩn mọi phiếu đại cử tri này và Phó tổng thống Pence chính là người chủ trì bước quan trọng đó.
Hawaii không phải một bang mang tính quyết định trong cuộc bầu cử năm 1960 giữa John F. Kennedy và Richard Nixon. Kết quả bầu cử cho thấy Kennedy sẽ giành được Nhà Trắng bất kể Hawaii nghiêng về bên nào.
Kết quả ban đầu cho thấy Nixon giành thắng lợi ở Hawaii. Nhưng sau khi Hawaii kiểm phiếu lại, phần thắng chuyển sang cho Kennedy. Hawaii khi đó đã gửi hai bộ phiếu đại cử tri tới Washington, một cho Nixon, một cho Kennedy, cả hai bộ đều được thống đốc ký.
Theo lý thuyết, tất cả phiếu đại cử tri của Hawaii đều phải dành cho Nixon. Nhưng khi phiên họp chung diễn ra vào tháng 1/1961, quốc hội Mỹ lại trao ba phiếu đại cử tri của Hawaii khi đó cho Kennedy. Nixon, phó tổng thống đương nhiệm, làm chủ tọa phiên họp.
Không ai có thể biết được điều gì xảy ra nếu Nixon, ứng viên đảng Cộng hòa thất bại trước Kennedy, can thiệp vào quá trình này.
Về kỹ thuật, một khi Hạ viện và Thượng viện thông qua xong Cử tri đoàn, đấy là lúc tổng thống đắc cử "băng băng" tới Phòng Bầu dục mà sẽ không còn vấp phải trở ngại nào.
Sau cuộc tranh chấp bầu cử năm 2000 ở Florida, một đoàn đại biểu gồm các thành viên da màu của quốc hội đã diễu hành tại Hạ viện nhằm phản đối kết quả. Phó tổng thống Al Gore, ứng viên đảng Dân chủ, là người chủ trì phiên họp chung với tư cách chủ tịch Thượng viện.
"Ngài Phó tổng thống, tôi phản đối 24 phiếu đại cử tri gian lận ở Florida", hạ nghị sĩ Dân chủ bang California Maxine Waters nói.
"Sự phản đối này có được thể hiện bằng văn bản và có chữ ký của một thành viên Hạ viện và một thượng nghị sĩ không?", Gore hỏi.
Các quy định của quốc hội yêu cầu một thành viên Hạ viện và một thượng nghị sĩ phải đồng thời thách thức nhóm phiếu đại cử tri của một bang. Tuy nhiên, Waters thiếu một người ủng hộ là thượng nghị sĩ.
"Đơn phản đối đã được viết ra! Tôi không quan tâm", Waters đáp.
"Chủ tọa cho rằng cần quan tâm tới các quy định", Gore nói, nhận được tiếng vỗ tay hoan hô trong phòng họp.
Tranh cãi cũng nảy sinh vào tháng 1/2005 liên quan đến số phiếu đại cử tri của bang Ohio. Trong trường hợp này, hạ nghị sĩ Dân chủ bang Ohio Stephanie Tubbs Jones và thượng nghị sĩ Dân chủ bang California Barbara Boxer đã hợp tác để cùng phản đối các phiếu đại cử tri của Ohio.
Thượng viện và Hạ viện sau đó họp riêng để xem xét phiếu đại cử tri của Ohio. Sau một cuộc tranh luận ngắn, quốc hội bác phản đối của Jones và Boxer, quyết định tổng thống George W. Bush chiến thắng ở Ohio.
Câu hỏi tiếp theo là chuyện gì sẽ xảy ra nếu quốc hội gặp bế tắc khi chứng nhận cử tri đoàn? Lúc bấy giờ, Tu chính án thứ 12 chỉ định Hạ viện chọn tổng thống. Đây được gọi là "cuộc bầu cử bất ngờ". Trong lịch sử Mỹ, Hạ viện đã chọn hai tổng thống qua bầu cử bất ngờ là Thomas Jefferson năm 1801 và John Quincy Adams năm 1825.
Mỗi nhóm nghị sĩ của một bang trong Hạ viện được bỏ một phiếu khi tham gia cuộc bầu cử này. Hạ viện chỉ chọn trong số ba ứng viên nhận được nhiều phiếu đại cử tri cao nhất, như Tổng thống Donald Trump, ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden và thêm một người khác.
Hiến pháp Mỹ không quy định thời hạn quốc hội phải đưa ra lựa chọn trong một cuộc bầu cử tổng thống bất ngờ. Nhưng đến trưa ngày 20/1, nếu Hạ viện không thể quyết định, Tu chính án thứ 20 và Đạo luật Kế vị Tổng thống sẽ được kích hoạt.
Khi đó, sẽ không còn tổng thống hay phó tổng thống. Nhiệm kỳ của Tổng thống Trump và Phó tổng thống Pence sẽ hết hạn. Chủ tịch Hạ viện, trong trường hợp này là Nancy Pelosi, sẽ lên làm "quyền tổng thống".
Vũ Hoàng (Theo Fox News)