Binh nhì Mỹ Travis King ngày 18/7 chạy qua biên giới ở Khu An ninh Chung (JSA) và nhiều khả năng đã bị Triều Tiên bắt.
Hiện chưa rõ động cơ đào tẩu của King, nhưng đây là một trong nhiều công dân Mỹ bị bắt ở Triều Tiên kể từ năm 2009 đến nay. Họ đều được trả tự do sau thời gian ngồi tù, song cũng có trường hợp qua đời ít ngày sau khi được thả.
Bruce Byron Lowrance
Vào tháng 10/2018, Triều Tiên thông báo Bruce Byron Lowrance, 60 tuổi, bị bắt khi nhập cảnh bất hợp pháp từ Trung Quốc. Chính quyền Mỹ sau đó xác nhận một người đàn ông có tên và mô tả khớp với Lowrance bị bắt tại khu phi quân sự (DMZ). Lowrance được cho là đã nói với các điều tra viên rằng ông tin việc mình tới Triều Tiên sẽ giúp giảm căng thẳng địa chính trị.
Ông được thả sau một tháng, điều mà các quan chức Mỹ cho rằng là nỗ lực để Bình Nhưỡng cải thiện quan hệ với Washington, trong thời điểm tổ chức các cuộc gặp cấp cao giữa lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và tổng thống Mỹ Donald Trump.
Lowrance đến nay chưa đưa ra bất cứ bình luận công khai nào về quá trình bị bắt lẫn được thả ở Triều Tiên.
Otto Warmbier
Otto Warmbier, sinh viên Đại học Virginia (Mỹ), bị bắt khi tham gia tour du lịch Triều Tiên vào ngày 2/1/2016. Chuyến đi 5 ngày này do một công ty lữ hành giá rẻ của Trung Quốc tổ chức, nhằm trải nghiệm không khí năm mới ở Triều Tiên.
Cha của Warmbier nói rằng con mình tò mò về văn hóa Triều Tiên và muốn gặp gỡ người dân nước này. Tuy nhiên, Warmbier bị bắt tại khách sạn với cáo buộc cố đánh cắp một áp phích tuyên truyền của Triều Tiên.
Hai tháng sau, tòa án Triều Tiên tuyên Warmbier 15 năm tù khổ sai. Warmbier sau đó bị chấn thương thần kinh nhưng không rõ nguyên nhân. 17 tháng sau khi bị bắt, Warmbier được trả tự do trong tình trạng ốm nặng.
Anh qua đời tại bệnh viện vào tháng 6/2017, 6 ngày sau khi được đưa trở về Mỹ. Các bác sĩ Mỹ khi đó cho hay Warmbier về nước trong tình trạng sống thực vật, nhưng gia đình cho rằng cách mô tả này không đúng.
Người cha cho biết con trai ông từng có biểu hiện "giãy giụa, co giật mạnh, hú hét bất thường". Đầu Warmbier bị cạo trọc, anh bị mù và điếc, tay chân "biến dạng hoàn toàn", cũng như có một vết sẹo lớn ở bàn chân, người cha kể lại.
Người cha cho rằng Warmbier "đã bị tra tấn". Tòa án liên bang Mỹ sau đó tuyên bố Triều Tiên phải chịu trách nhiệm về cái chết của Warmbier.
Bình Nhưỡng không chính thức phủ nhận các cáo buộc, nhưng nhiều lần khẳng định họ không làm gì sai trái. Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin Warmbier đã được chăm sóc y tế "với tất cả sự chân thành". KCNA cho rằng Triều Tiên mới là nạn nhân lớn nhất trong cái chết của Warmbier và "chiến dịch bôi nhọ" của Mỹ.
Matthew Miller
Matthew Miller, giáo viên 24 tuổi ở California, bị chính quyền Triều Tiên bắt với cáo buộc có hành vi gián điệp "thù địch" khi đang tham gia tour du lịch ở nước này vào tháng 4/2014.
Giới chức Triều Tiên sau đó nói rằng Miller đã thừa nhận có "tham vọng táo tợn", muốn khám phá đất nước và điều tra về điều kiện sống tại đây.
Miller bị kết án 6 năm tù khổ sai vào tháng 9/2014 và được thả một tháng sau đó. Trong những buổi phỏng vấn trước và sau khi được thả, Miller nói rằng phần lớn thời gian phải làm các công việc đào đất, khuân vác đá và nhổ cỏ.
Trả lời phỏng vấn NK News, Miller nói rằng ban đầu anh có ý định đến Triều Tiên để đào tẩu và muốn trao đổi với người dân nước này về những chuyện thường ngày, không liên quan đến chính trị.
"Tôi đã cố gắng để ở lại Triều Tiên. Nhưng họ muốn tôi rời đi. Ngay đêm đầu tiên, họ bảo tôi lên chuyến bay kế tiếp, nhưng tôi từ chối", ông kể lại.
Miller cho biết cuối cùng ông đã thay đổi ý định về việc xin tị nạn ở Triều Tiên và nhờ chính phủ Mỹ giúp đỡ để quay về.
Kenneth Bae
Kenneth Bae bị bắt vào tháng 11/2012. Ông là người được thả cùng thời điểm với Matthew Miller.
Nhà truyền giáo người Mỹ gốc Hàn đã đến Triều Tiên nhiều lần. Trong một lần như vậy, ông bị chặn lại và quan chức Triều Tiên phát hiện ông mang theo một USB chứa các tài liệu về Cơ đốc giáo.
Triều Tiên đưa ra loạt cáo buộc cho rằng ông Bae có "hành vi thù địch", bao gồm âm mưu tổ chức các hoạt động chống chính phủ, vận chuyển tài liệu cấm, ủng hộ những người bất đồng chính kiến với nhà nước.
Ông bị kết án 15 năm tù khổ sai. Truyền thông nhà nước Triều Tiên nói rằng ông không bị kết án tử hình do đã "thành khẩn khai báo".
Theo lời kể của gia đình Bae, trong thời gian ngồi tù, sức khỏe Kenneth Bae suy giảm do điều kiện thiếu thốn và phải lao động khổ sai. Có lúc Bae bị đưa đến trại lao động cho người nước ngoài, trong đó ông là tù nhân duy nhất.
Bae được trả tự do và quay về Mỹ cùng Miller sau khi cựu giám đốc tình báo quốc gia Mỹ James Clapper thực hiện chuyến đi bí mật đến Bình Nhưỡng.
Sau khi được thả, ông Bae đã viết hồi ký kể lại việc mình đã bị thẩm vấn liên tục từ 8h đến 22h hoặc 23h mỗi ngày trong suốt 4 tuần đầu ngồi tù.
Eura Lee và Laura Ling
Vào tháng 3/2009, Triều Tiên đã bắt hai nhà báo từ California, Eura Lee và Laura Ling, khi họ đang quay bộ phim tài liệu về điều kiện nhân đạo ở biên giới Trung - Triều. Hai thành viên khác trong đoàn, một quay phim người Mỹ và một hướng dẫn viên Trung Quốc, đã trốn thoát, song bị chính quyền Trung Quốc giam trong thời gian ngắn.
Bà Ling sau đó thừa nhận đã vượt biên vào Triều Tiên, dù nói rằng cả nhóm ở trên lãnh thổ Triều Tiên chưa đến một phút, trước khi trở về Trung Quốc. Eura Lee và Laura Ling sau đó bị Triều Tiên cáo buộc tội vượt biên trái phép. Đến tháng 6/2009, cả hai bị kết án 12 năm tù khổ sai.
"Tôi đã cố gắng chuẩn bị tinh thần để nhận một bản án dài hạn, nhưng khi đối diện với lời tuyên án, tôi nhận ra mình chưa sẵn sàng đến thế", Ling nói với đài NPR. "Tôi tự hỏi điều này có đồng nghĩa với việc mọi cánh cửa cơ hội đã đóng lại và số phận của mình đã được định đoạt hay không".
Hai nhà báo được thả vào tháng 8/2009, sau khi cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton thăm Bình Nhưỡng.
Vào tháng 7/2017, Bộ Ngoại giao Mỹ đã cấm công dân nước này du lịch Triều Tiên do nguy cơ cao bị bắt giam dài hạn. Quy định này vẫn còn hiệu lực đến tháng 8 năm nay.
Anh Hoàng (Theo BBC)