Jessica, tên thật là Nguyễn Hữu Toàn (27 tuổi), là người chuyển giới nam sang nữ. Cô đã phẫu thuật chuyển đổi giới tính và tự tiêm nội tiết tố nữ để có thân hình quyến rũ, nước da mịn màng.
Từ nhỏ, Jessica đã mơ ước thành con gái. Uớc muốn đó khiến cô gặp phải nhiều rắc rối, kể cả những đau thương. "Em khám nghĩa vụ quân sự, phải ở trong một phòng toàn đàn ông. Lúc đó, em đang dùng hormone nữ nên ngực phát triển và được ghi vào sổ là dị tật tuyến vú", Jessica tâm sự.
Cách ăn mặc, trang điểm và thể hiện mình là một cô gái khiến Jessica phải bỏ học đại học giữa chừng, đi hát đám ma, đám cưới. Nỗ lực vươn lên, giờ cô có một cửa hàng cho thuê đồ biểu diễn và trang điểm. Cửa hàng của cô tạo công ăn việc làm và giúp đỡ một số người chuyển giới ở Sài Gòn.
Điều khiến Jessica luôn gặp trở ngại là sự bất nhất trong giấy tờ tùy thân và ngoại hình cô. "Đi đâu, làm gì em cũng bị dị nghị, gây khó dễ. Một khi không được cộng đồng thừa nhận, người chuyển giới phải sống vất vưởng bên lề xã hội. Hai bạn em vừa chết vì nhiễm HIV/AIDS, khi sống các bạn ấy đã không dám đến cơ sở y tế khám chữa bệnh", cô buồn nói.
Hà Duy Linh 23 tuổi (một người chuyển giới nữ sang nam) đang là sinh viên một trường cao đẳng ở Hà Nội. Linh có vóc dáng cao to, nhờ tiêm nội tiết tố nam nên ngực không còn phát triển, tóc cứng, khuôn mặt cũng góc cạnh hơn. Tuy nhiên, liên quan giấy giờ tùy thân, Linh đã phải chịu nhiều tổn thương.
Linh kể: "Trong kỳ thi giám thị nhìn thẻ sinh viên của em, bảo em không đúng với người trong thẻ, dù hình thẻ vẫn là tóc ngắn. Giám thị đuổi em ra ngoài, lớp trưởng phải xin cho em vào thi. Đi khám sức khỏe, nhân viên y tế đưa em đi xét nghiệm phụ sản xem có tử cung không".
Theo anh Lương Thế Huy, cán bộ pháp lý của iSEE (tổ chức đại diện cho người đồng tính, song tính và chuyển giới ở Việt Nam), Bộ luật Dân sự năm 2005 và Nghị đinh 88 (năm 2008) không cho phép người chuyển giới được phẫu thuật xác định lại giới tính và cấm các cơ sở y tế của Việt Nam phẫu thuật chuyển đổi cho họ. Vì thế, người chuyển giới phải sang nước ngoài phẫu thuật hoặc phẫu thuật chui. Cũng theo Luật Dân sự năm 2005, người chuyển giới không được pháp luật cho phép xác định lại nhân thân.
"Người chuyển giới đang ở bên lề, vô hình trong pháp luật Việt Nam. Họ đang phải sống khổ sở, chịu nhiều kỳ thị, không có công ăn việc làm ổn định và sức khỏe bị đe dọa. Những người chuyển giới ở Việt Nam rất mong muốn luật Dân sự sắp được thông qua sẽ công nhận các quyền của họ", anh Huy kiến nghị.
Trên thế giới, từ năm 1972 Thụy Điển đã cho phép thay đổi nhân thân sau khi phẫu thuật chuyển giới. Đến năm 2013, quốc gia này mở rộng thêm là không cần triệt sản vẫn được thay đổi nhân thân. Một số quốc gia khác như Australia, New Zealand, Đức... đưa vào bộ luật dân sự giới tính "X", dành cho những người không xác định rõ giới tính, người liên giới tính. Đồng thời, hầu hết quốc gia châu Âu, và một số quốc gia châu Á cũng cho phép đổi tên theo giới tính mong muốn.
Song song với bất cập về vấn đề nhân thân, người chuyển giới cũng là nhóm người dễ bị xã hội kỳ thị nhất.
Linh cho biết từ năm lớp 7 đã ăn mặc đi đứng như nam giới. Gia đình bắt Linh gặp bác sĩ, mời thầy cúng về "chữa bệnh". "Bố mẹ bắt em đi gặp một bác sĩ ở Bệnh viện Nhi trung ương, ông ấy bảo tuổi em còn nhỏ, qua một thời gian sẽ bình thường lại. Năm lớp 10, em có bạn gái, bố mẹ lại đưa em đi gặp một giáo sư đầu ngành về giới tính, ông cũng bảo do em đua đòi", Linh cho hay.
Linh đã nghĩ trước tiên phải học thật giỏi để được công nhận giới tính. Em là thủ khoa ĐH Kinh tế quốc dân, và hiện theo học một trường quốc tế tại Việt Nam, rồi quản lý công ty của gia đình. Song gia đình không chấp nhận con người Linh, lúc đi làm cậu vẫn phải mặc đồ nữ.
"Cả đời em sẽ không quên câu nói của mẹ 'Mẹ không cần con giỏi giang, mẹ chỉ cần con bình thường. Nếu con không bình thường, con đi gặp đối tác, nhà mình sẽ mất hết đối tác", Linh bộc bạch.
Nguyên, 22 tuổi - một người chuyển giới nữ sang nam chia sẻ thêm: "Em đã tìm gặp chuyên gia đầu ngành về bảo vệ trẻ em liên giới tính để xin lời khuyên về sử dụng hormore, song bác sĩ bảo em 'Cháu đã thử quan hệ chưa, hãy thử quan hệ với đàn ông, có khi cháu sẽ khác'. Em đã thất vọng khi nghe câu đó".
Tiến sĩ Phạm Quỳnh Phương (Viện nghiên cứu Văn hóa) bày tỏ, người chuyển giới đang sống ngoài vòng pháp luật do không có chứng minh thư, không sử dụng tên khai sinh, không được thừa nhận thực tế sau phẫu thuật. Họ dễ trở thành nhóm bị tổn thương nhất. Nếu một người là chuyển giới nam sang nữ mà bị đàn ông hiếp dâm sẽ không được pháp luật bảo vệ do trên chứng minh thư vẫn là nam. Họ cũng không được bảo vệ về thể chất tinh thần, phải phẫu thuật chui do không được nhà nước cho phép.
"Không có cơ sở y tế nào giúp đỡ, người chuyển giới phải chịu nhiều rủi ro vì tự tiêm hormone vào người. Một người tôi quen biết khát khao có được cơ thể phụ nữ đã tự tiêm hormone và phải trả giá bằng cái chết", tiến sĩ Quỳnh Phương chia sẻ.
Người chuyển giới (transgender) là trạng thái khi một người có giới tính sinh học không trùng với bản dạng giới hay thể hiện giới của họ (ví dụ có cơ thể nam và nghĩ mình là nữ, hoặc bề ngoài như nữ). Người chuyển giới liên quan tới việc người đó nhận dạng hoặc thể hiện mình là nam hay nữ, trong khi người đồng tính lại liên quan tới việc người đó yêu người cùng giới hay khác giới. Đồng tính (Lesbian, Gay) là người có cảm giác hấp dẫn về tình cảm, thể chất với người cùng giới. |
Phan Dương