Đoạn phim ngắn được thực hiện bởi mạng lưới người làm về quyền của cộng đồng người chuyển giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APTN), phối hợp với Tổ chức liên hiệp quốc tế phòng chống HIV/AIDS (UNAIDS).
Video clip dài 5 phút ghi lại lời tự sự của 21 người chuyển giới nam và nữ đến từ các quốc gia Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines, Singapore, Nepal...
Thay cho lời mở đầu, Ienes Angela, một người chuyển giới Indonesia nói rằng: "Theo tôi, hầu hết chị em chuyển giới khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương đều chịu chung số phận". Đó là sự kỳ thị đến từ chính nơi mình đang sinh sống, thậm chí từ chính người thân của mình.
“Tôi bị gia đình và cộng đồng của mình chối bỏ”, Dorian Wilde đến từ Malaysia chia sẻ.
“Thời gian còn đi học đối với tôi như một cơn ác mộng. Tôi buộc phải ăn mặc như con trai, tôi còn bị chọc ghẹo, thậm chí bị đánh. Tôi không dám chia sẻ điều này với thầy cô hay cha mẹ mình, tôi sợ họ lại đánh mắng tôi thêm nữa” , Natt Kraipet, Thái Lan, chia sẻ hồi ức buồn trong quá khứ.
“Những người bạn của tôi muốn làm bác sĩ hay giáo viên, nhưng đều không thể được. Hầu hết người chuyển giới ở Thái Lan chỉ có 2 đến 3 lựa chọn nghề nghiệp, và một trong số đó là hành nghề mại dâm”, một phụ nữ chuyển giới tên Thitiyanun Nakpor cho biết.
Sự ruồng bỏ từ phía gia đình, sự cô lập trong chính cộng đồng mình sinh sống, cùng rất nhiều hạn chế khác nảy sinh từ sự kỳ thị đã đẩy người chuyển giới vào một hoàn cảnh nghiệt ngã. Không khác biệt so với các quốc gia trong khu vực, cộng đồng người chuyển giới ở Việt Nam cũng gánh chịu chung số phận như vậy. Nhiều người trong số họ thậm chí lâm vào bế tắc, tuyệt vọng và tìm đến cái chết như một sự giải thoát.
Kỳ thị không phải là vấn đề duy nhất mà họ gặp phải. Bản thân người chuyển giới đã thông qua phẫu thuật chuyển đổi giới tính có sự khác biệt về cơ thể, cũng như những nhu cầu chăm sóc sức khỏe chuyên biệt. Nhưng trái ngược với điều này, họ lại gặp rào cản khi tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, bao gồm cả dịch vụ liên quan đến HIV.
“Người chuyển giới cần đến điều trị hormone, trên thực tế, chúng tôi thường tự mua ở nhà thuốc tây mà không có toa thuốc. Đơn giản là chúng tôi tự mua và tự uống”, cô Manisa Dhakal người Nepal chia sẻ.
Đôi khi vấn đề trở nên khó xử cho cả người trong cuộc và nhân viên y tế. Một người chuyển giới từ nữ sang nam kể: “Khi tôi bệnh và cần nằm viện, tôi được chuyển vào khu phòng bệnh nữ. Điều này thực sự khủng khiếp vì không ai muốn trông thấy gương mặt của tôi ở một phòng bệnh dành cho nữ giới”.
Cũng theo người này, rào cản trên không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của mỗi cá nhân người chuyển giới, mà còn ảnh hưởng đến những nỗ lực can thiệp và phòng chống HIV nói riêng, các bệnh lây truyền qua quan hệ tình dục nói chung. Hơn hết, điều này phản ánh một sự thật: Chính sự kỳ thị đã tước đi của họ những quyền lợi cơ bản của một con người - “quyền được sống”.
Ở Việt Nam, ý niệm “người chuyển giới hay chuyển đổi giới tính” vẫn còn khá mơ hồ và xa lạ với đa số, nên không có một tổ chức nào lo về vấn đề chăm sóc sức khỏe chuyên biệt cho nhóm này.
Cuối phim, những người chuyển giới nói lên mong muốn của mình. "Chúng tôi mong rằng những người chuyển giới được đối xử như một con người”. Được đối xử như con người, nghe tưởng chừng như đơn giản, nhưng với mỗi cá nhân trong video cũng như bất cứ người chuyển giới nói riêng và cộng đồng LGBT nói chung, điều này lại là mong ước lớn nhất và gần như là duy nhất.
“Họ không muốn tồn tại như một sự khác biệt, chỉ đơn giản là họ muốn tồn tại”. Đó là thông điệp chung mà nhóm thực hiện gởi đến cộng đồng với mong muốn phần nào giảm đi sự kỳ thị đang vây chặt cuộc sống của những người chuyển giới.
Thúy Ngọc
Video: APTN - UNAIDS