Cách đây vài tháng, bố tôi, ngoài 60 tuổi hớn hở khoe vừa săn được một chiếc ghế massage trên livestream với giá 25 triệu đồng. "Giá gốc 48 triệu mà nay giảm giá còn phân nửa". Ông cụ nói với vẻ mặt đắc thắng.
Nhưng đến khi chiếc ghế về đến nhà, mất gần một tuần mới có người hỗ trợ lắp đặt, dùng được vài lần thì trục trặc. Gọi tổng đài thì máy bận, gọi lại thì bận bảo trì hệ thống. Đến giờ, chiếc ghế nằm chỏng chơ, bám bụi trong góc nhà.
Thật ra, đó chỉ là một trong số hàng chục món đồ ông từng đặt qua livestream. Máy đuổi muỗi, nồi chiên không dầu, tinh dầu xông phòng, thực phẩm chức năng "cải thiện trí nhớ"...
Đa phần đều chung một số phận: mua xong để đó, dùng được vài hôm rồi quên. Không hẳn vì ông không cần, mà vì chúng thường không hiệu quả như quảng cáo, hoặc kém chất lượng.
Câu chuyện này không hiếm. Nhiều người lớn tuổi đang trở thành "con mồi" dễ bị dẫn dụ nhất trong thời đại mua sắm livestream, khi một cú lướt tay có thể tiêu hết tiền hưu cả tháng.
Livestream bán hàng, dù nhìn có vẻ dân dã, dễ gần thật ra là một hình thức marketing có chủ đích, được tổ chức bài bản và khai thác triệt để tâm lý người xem. Họ tạo áp lực thời gian ("chốt đơn trong 5 phút cuối cùng"), đánh vào nỗi sợ bị bỏ lỡ (FOMO – Fear Of Missing Out), dùng những từ ngữ đánh lừa cảm giác ("hàng tồn kho thanh lý", "giá gốc cả chục triệu"), thậm chí là mồi nhử ảo ("chỉ còn đúng 3 cái cuối cùng").
Trong khi đó, người xem, đặc biệt là người lớn tuổi, thường thiếu khả năng kiểm tra thông tin, không có thói quen so sánh giá cả hay đánh giá sản phẩm. Thế là "chốt đơn" như một phản xạ tự nhiên, vì nghĩ mình vừa mua được món hời.
Một số livestream còn mạo danh bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng để bán thực phẩm chức năng, thuốc trị bệnh mà không cần đơn hay chứng nhận. Việc này không chỉ là vi phạm pháp luật, mà còn nguy hiểm đến tính mạng nếu người mua sử dụng tùy tiện.
Nhưng điều đáng buồn là có quá ít rào chắn để bảo vệ người tiêu dùng – đặc biệt là người cao tuổi, khỏi cơn lốc này.
Giải pháp không đơn thuần là cấm livestream hay ngăn người già dùng mạng xã hội. Thứ cần hơn cả là một cơ chế giám sát minh bạch, một hành lang pháp lý rõ ràng cho thương mại trực tuyến, để những ai bán hàng gian, lừa đảo phải chịu trách nhiệm, thay vì chỉ "xóa fanpage rồi bỏ chạy".
Phục Linh