Phát biểu tại cuộc họp của HĐND thành phố mới đây, ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch Đà Nẵng cho hay thành phố đang lên kế hoạch thương lượng để "lấy lại sân vận động Chi Lăng nhằm phục vụ nhu cầu văn hóa thể thao, kinh tế - xã hội của người dân trên địa bàn".
Vì sao Đà Nẵng lại phải có kế hoạch trên? Sự việc bắt đầu từ năm 2010, UBND TP Đà Nẵng dưới thời cựu Chủ tịch Trần Văn Minh đã giao sân vận động này cho Tập đoàn Thiên Thanh của đại gia Phạm Công Danh để làm dự án khu phức hợp thương mại - dịch vụ.
Một năm sau chính quyền hoàn tất thủ tục chuyển nhượng khu đất gần 6 ha, thu về ngân sách khoảng 1.400 tỷ đồng.
Giá đất khi đó được tính là 24,3 triệu đồng/m2. Thành phố Đà Nẵng cũng chi tiền giải tỏa đền bù vệt dân cư trên đường Lê Duẩn, Hùng Vương và Ngô Gia Tự tiếp giáp với sân vận động. Nhiều ý kiến cho rằng, giá đất mà Đà Nẵng bán thấp hơn nhiều giá thị trường, vì vị trí sân Chi Lăng có 4 mặt tiền các đường lớn ở trung tâm thành phố.
Tháng 7/2014, ông Phạm Công Danh bị bắt để điều tra về nhiều tội danh. Sân vận động Chi Lăng trở thành tài sản liên quan vụ đại án.
Theo ông Huỳnh Đức Thơ, sau khi được giao đất, chủ đầu tư đã "xẻ thịt" sân vận động Chi Lăng thành 14 dự án để thế chấp ngân hàng. Dự án khu phức hợp thương mại - dịch vụ như kế hoạch ban đầu không được triển khai. Những trận đấu trên khán đài 30.000 chỗ ngồi đầy ắp ở sân Chi Lăng cứ thưa vắng dần trong sự luyến tiếc của người dân Đà Nẵng.
Các cầu thủ được chuyển về sân vận động Hòa Xuân mới xây dựng nhưng quy mô nhỏ hơn (gần 20.000 chỗ ngồi).
"Sân Hòa Xuân có lúc đông, nhưng nhiều khi đi xem thấy vắng tanh không còn như chảo lửa sân Chi Lăng ngày trước nữa", ông Nguyễn Nho Trung, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng nói.
Sân Chi Lăng bị bỏ hoang
Sân vận động Chi Lăng hiện rơi vào cảnh hoang vắng, kim tiêm vương vãi. Diện tích phía ngoài sân được Tập đoàn Thiên Thanh cho thuê làm bãi đỗ xe. Văn phòng ban quản lý dự án đặt ở cổng chính vào sân vận động vắng bóng nhân viên. "Không có ai ở đây đâu mà tìm mất công", người phụ nữ đang thuê mặt bằng làm kho chứa bên trong khu tập thể cũ của sân vận động nói.
Liên lạc qua số điện thoại mà chủ đầu tư đăng trên website, câu trả lời của một nữ nhân viên cho biết "không có chỉ đạo của sếp về việc trả lời báo chí".
"Sân vận động bỏ hoang đang tiềm ẩn nguy hiểm vì tệ nạn xã hội, trong đó có ma tuý. Chúng tôi rất mong Chi Lăng được trở về với Đà Nẵng và giao cho ngành văn hóa - thể thao quản lý", ông Huỳnh Văn Hùng nói.
Đất dự án nhưng giao thời hạn lâu dài
Trả lời câu hỏi của VnExpress về thời hạn giao đất tại cuộc họp báo sáng 19/7, ông Nguyễn Quang Vinh - Phó giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường, cho biết sân vận động Chi Lăng nằm chung trong các dự án sai phạm mà mà kết luận số 2852 (năm 2013) của Thanh tra Chính phủ đã nêu.
Theo đó, dù đất giao cho dự án theo quy định Luật đất đai là không quá 50 năm nhưng UBND TP Đà Nẵng giai đoạn trước đã giao với thời hạn lâu dài. "Giao đất như vậy là không đúng. Việc này sẽ thực hiện theo kết luận của Thanh tra Chính phủ và sẽ phải điều chỉnh thời hạn cấp đất cho dự án theo đúng quy định pháp luật", ông Vinh nói.
Ông Vinh thông tin thêm, sân vận động Chi Lăng và khu đất 209 Trường Chinh (Đà Nẵng) của Tập đoàn Thiên Thanh đang nằm trong tình trạng thi hành án liên quan đến đại án Phạm Công Danh. Cơ quan thi hành án TP HCM đã ủy quyền cho thi hành án thành phố Đà Nẵng thực hiện; tổng giá trị thi hành án 2 vị trí nói trên khoảng 3.000 tỷ đồng.
"Mặc dù đang thi hành án, vừa qua thành phố có họp và thống nhất chủ trương giao cho các ngành, các đơn vị nghiên cứu đề xuất giải pháp lấy lại sân Chi Lăng cho thành phố", ông Đặng Việt Dũng - Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nói.
Trả lời câu hỏi về nguồn kinh phí, ông Dũng cho biết "trước hết phải có ý chí, sau đó mới tính đến phương án, hiện ngành chức năng thành phố đang tính toán".
Đà Nẵng là 'chủ thể đặc biệt'
Luật sư Đỗ Pháp - Trưởng văn phòng Luật sư cùng tên nằm trên đường Ngô Gia Tự, cho biết mới đây ông được chính quyền thành phố mời tham vấn ý kiến để chuẩn bị cho việc thương lượng lấy lại sân Chi Lăng.
Theo đó, trong mối quan hệ pháp lý, UBND TP Đà Nẵng đang là chủ thể đặc biệt tham gia quyền và nghĩa vụ phát sinh giữa các bên (bên bán sân vận động Chi Lăng).
Thành phố bán sân vận động Chi Lăng cho Tập đoàn Thiên Thanh xây dựng khu phức hợp thương mại dịch vụ liên hoàn. Việc bán đất giá thấp hay chấp thuận chia ra 14 sổ của chính quyền giai đoạn trước là tạo điều kiện cho tập đoàn vay vốn tập trung xây dựng dự án, còn nguyên tắc không được xé lẻ sân vận động Chi Lăng.
"Nếu làm trái thì thành phố được quyền áp dụng Luật đất đai 2013 để thu hồi. Đáng ra thành phố phải thu hồi ngay khi phát hiện chủ đầu tư thực hiện không đúng mục đích. Nhưng thời gian để điều chỉnh mối quan hệ pháp luật đó đã trôi qua. Bây giờ sân vận động Chi Lăng đã trở thành tang vật của vụ án Phạm Công Danh", ông Pháp nói.
Luật sư cho rằng, UBND TP Đà Nẵng cần thành lập một tổ công tác đặc biệt để xác định rõ tài sản sân Chi Lăng thi hành bản án của ông Phạm Công Danh, nhưng sở hữu hợp pháp có còn là ông này hay đã chuyển cho đối tác khác. Thành phố cũng cần liên hệ với thi hành án để nếu phát mãi bán đấu giá tài sản thì UBND TP Đà Nẵng sẽ là bên được ưu tiên mua lại.
Ngoài ra, với trách nhiệm quản lý toàn bộ tài sản trên địa bàn, chính quyền Đà Nẵng hoàn toàn có thể dùng quyền quản lý Nhà nước để đàm phán với bất kỳ đối tác nào nhằm lấy lại sân vận động Chi Lăng. "UBND thành phố vừa là đối tác, vừa là chủ thể đặc biệt tham gia quan hệ pháp luật này, vừa là người quản lý thì có đầy đủ quyền và nghĩa vụ hơn tất cả đối tác khác. Cái này luật cho phép, chúng ta không lợi dụng quyền hạn", ông Pháp nói thêm.