Các tội danh mà cựu giám đốc công an Trùng Khánh, từng là cánh tay phải của ông Bạc Hy Lai, bị buộc gồm đào tẩu, nhận hối lộ và lạm quyền. Tội danh mà vợ ông Bạc nhận là giết người có chủ ý và mức án tử hình có ân hạn.
Vậy còn ông Bạc?
Cựu uỷ viên Bộ Chính trị, cựu bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai. Ảnh: AP |
Trong phiên toà xử vợ ông, bà Cốc Khai Lai, tháng trước, tên của Bạc không một lần được nhắc đến. Dù ông Bạc đã bị tước mọi chức vụ trong đảng và đang bị điều tra vì "vi phạm nghiêm trọng kỷ luật đảng", hiện chưa rõ ông có bị buộc tội danh nào hay không.
Một số chuyên gia nhận định rằng bộ máy lãnh đạo Trung Quốc có thể sẽ khoan dung đối với ông Bạc. Việc tên của ông không bị nhắc đến trong toà cho thấy rằng ông ta có thể không bị tố cáo dính líu trực tiếp vào vụ sát nhân.
Theo Bonnie Glaser, một nhà phân tích về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS), sự im lặng bấy lâu quanh số phận ông Bạc cho thấy ban lãnh đạo Trung Quốc vẫn chưa đi đến quyết định nào về tương lai của cựu uỷ viên Bộ Chính trị này.
"Số phận ông Bạc chưa được định đoạt", Glasser nói. "Chúng ta sẽ phải chờ mới biết được liệu ông ta có bị định tội không, có bị công khai định tội, hay sẽ được xử lý nội bộ trong hệ thống đảng. Và dự đoán của tôi rơi vào khả năng là xử lý nội bộ".
Bà Glasser lấy ví dụ trường hợp cựu thủ tướng Trung Quốc Triệu Tử Dương, người bị ban lãnh đạo đảng cầm quyền không ưa sau sự kiện Thiên An môn năm 1989. Ông Triệu sống âm thầm tại gia cho đến cuối đời. Nhà phân tích Glasser cho rằng ông Bạc cũng sẽ có một tương lai tương tự.
Hiện cũng chưa thể đoán được khi nào Bắc Kinh sẽ công bố biện pháp kỷ luật đối với ông Bạc. Theo Glasser, đảng Cộng sản Trung Quốc đương nhiên muốn khép lại vụ việc tai tiếng này trước khi quá trình chuyển giao quyền lực, bắt đầu từ đại hội đảng cuối năm nay, diễn ra.
"Tôi nghĩ đây là vấn đề mà ban lãnh đạo Trung Quốc muốn giải quyết xong trước khi khai mạc đại hội 18. Có lẽ đại hội sẽ diễn ra vào giữa tháng 10", bà nói.
Tuy nhiên các nhà phân tích khác không chắc như vậy. Baogang He, chủ tịch ban nghiên cứu quốc tế của Đại học Deakin, Australia, nói ông không hy vọng được nghe nhiều tin tức về ông Bạc trước khi đại hội diễn ra.
"Tất nhiên họ cũng muốn xét xử ông Bạc trước đại hội 18. Nhưng khả năng đó rất ít". Theo Baogang, khó có chuyện ông Bạc sẽ được xử kín hoặc kỷ luật nội bộ, bởi điều đó sẽ làm phương hại đến uy tín của hệ thống pháp lý Trung Quốc.
Xoay quanh số phận ông Bạc hiện có nhiều câu hỏi hơn câu trả lời, nhưng truyền thông nhà nước Trung Quốc dường như đã hé lộ một chút ít dấu hiệu tích cực trong cả vụ bê bối nghiêm trọng này. Một bài xã luận đăng trên báo đảng Global Times mới đây nhận định rằng việc buộc các tội danh đối với Vương Lập Quân là minh chứng của công lý. Bài xã luận cũng nói rằng "sự lùm xùm đang lắng xuống".
Mai Trang (theo VOA)