Vào đầu những năm 2000, Shakil Afridi là bác sĩ hàng đầu ở bộ lạc Khyber và là người đứng đầu cơ quan y tế giám sát một số chương trình tiêm chủng do Mỹ tài trợ ở Pakistan. Afridi phụ trách chương trình tiêm phòng viêm gan B tại Abbottabad, nơi trùm khủng bố Osama bin Laden, kẻ đứng sau vụ khủng bố 11/9, sống trong thời gian dài mà không bị quân đội Pakistan phát hiện.
Nghi ngờ bin Laden ẩn náu trong khu nhà ở Abbottabad, tình báo Mỹ lên kế hoạch lấy mẫu máu từ một đứa trẻ trong nhà để xét nghiệm ADN, nhằm xác định liệu đứa trẻ có phải là họ hàng của bin Laden hay không. Một trong những nhân viên của Afridi đã đến khu nhà và thu thập mẫu máu.
Đặc nhiệm Mỹ ngày 2/5/2011 đột kích vào khu nhà, bắn chết bin Laden và mang xác đi. Afridi bị bắt vào ngày 23/5/2011 khi đang cố trốn khỏi đất nước, 20 ngày sau khi bin Laden bị tiêu diệt.
Afridi có xuất thân khiêm tốn và tốt nghiệp trường Cao đẳng Y khoa Khyber năm 1990. Gia đình ông đã phải ẩn náu kể từ khi Afridi bị bắt. Vợ ông từng là một hiệu trưởng trường công tại Abbottabad. Cặp vợ chồng có ba con gồm hai trai và một gái, ít nhất hai trong số họ đã trưởng thành.
Tháng 1/2012, các quan chức Mỹ công khai thừa nhận Afridi đã làm việc cho tình báo Mỹ nhưng không rõ ông hiểu về vai trò của mình đối với CIA đến mức độ nào. Ông không nói gì về vấn đề này khi cung cấp lời khai cho giới chức Pakistan về vụ tiêu diệt bin Laden.
Theo một cuộc điều tra của Pakistan, Afridi không biết ai là mục tiêu của chiến dịch khi được CIA tuyển mộ. Điều tra viên Pakistan nói rằng Afridi đã 25 lần gặp "đặc vụ nước ngoài, nhận được hướng dẫn và cung cấp thông tin nhạy cảm cho họ". Afridi khai rằng tổ chức từ thiện Save the Children giúp tạo điều kiện để ông ta gặp nhân viên tình báo Mỹ, nhưng tổ chức này bác bỏ.
Ngày 23/5/2012, Afridi bị buộc tội phản quốc, bị kết án 33 năm tù và được giảm xuống 23 năm tù sau khi kháng cáo. Ban đầu công chúng cho rằng Afridi phải ngồi tù vì giúp đỡ tình báo Mỹ, nhưng chính phủ Pakistan sau đó tuyên bố Afridi bị kết án vì đã tài trợ và giúp đỡ Lashkar-e-Islam, nhóm phiến quân chống chính quyền hiện không còn tồn tại.
Gia đình ông bác bỏ cáo buộc, luật sư của ông nói rằng số tiền duy nhất thân chủ từng trao cho nhóm Lashkar-e-Islam là khoản tiền chuộc một triệu rupee Pakistan (6.375 USD) để được thả sau khi họ bắt cóc ông năm 2008.
Trong cuộc phỏng vấn với Fox News tại phòng giam, Afridi nói rằng ông đã bị tình báo Pakistan bắt và tra tấn. Một năm sau, ông lén trao lá thư viết tay cho các luật sư của mình, nói rằng ông đã bị đối xử bất công.
Không rõ vì sao Afridi không bị truy tố vì giúp đỡ Mỹ. Vụ đột kích tiêu diệt bin Laden là sự kiện "bẽ mặt" với Pakistan vì các đặc nhiệm Mỹ dễ dàng vào nước họ và rời đi mà không gặp trở ngại. Các quan chức Pakistan gọi đây là hành vi xâm phạm chủ quyền nhưng cơ quan tình báo Pakistan thừa nhận họ không biết ông trùm al-Qaeda đã sống bí mật tại khu nhà đó trong nhiều năm.
John Brennan, cựu lãnh đạo cơ quan chống khủng bố ở Nhà Trắng, nói "thật khó tin khi cho rằng bin Laden không được ai đó chống lưng" ở Pakistan. Islamabad bác bỏ cáo buộc này. Pakistan có thể quyết định không kết án Afridi vì vai trò của ông trong chiến dịch đột kích của Mỹ, bởi việc đó sẽ khiến họ bị quốc tế chỉ trích.
Việc Afridi bị cầm tù đã khiến Mỹ cắt 33 triệu USD trong viện trợ liên bang cho Pakistan (vì Afridi bị kết án 33 năm tù). Tổng thống Mỹ Donald Trump từng hứa trong chiến dịch bầu cử năm 2016 rằng ông sẽ khiến Afridi được trả tự do trong "hai phút" nếu đắc cử nhưng điều đó đến nay chưa xảy ra.
Afridi đã kháng cáo và Tòa Thượng thẩm Peshawar ban đầu lên kế hoạch xét xử ông vào ngày 9/10, nhưng sau đó hoãn phiên tòa để có thêm thời gian "trả lời các câu hỏi pháp lý quan trọng". Phiên điều trần đầu tiên của tòa phúc thẩm sẽ được tổ chức vào ngày 22/10.
Phương Vũ (Theo BBC)