Những ngày trước đó, số ca mắc dao động 3.000-5.000, song trung bình 14 ngày qua TP HCM ghi nhận ca nhiễm giảm 28%.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn (Trưởng Bộ phận Thường trực đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 tại TP HCM), khi số ca mắc trong cộng đồng tăng cao, TP HCM đã siết chặt giãn cách cùng chiến lược thần tốc xét nghiệm diện rộng (từ 23/8 đến 30/9). Tổng cộng, thành phố triển khai 5 đợt lấy mẫu ở các vùng nguy cơ, đặc biệt xét nghiệm "quét đi quét lại" nhiều lần ở các vùng đỏ, vùng cam.
Tỷ lệ mẫu dương tính giảm dần qua các đợt xét nghiệm, cụ thể đợt 1 là 3,6%, đợt 2 là 2,7%, đợt 3 là 1,1%, đợt 4 là 1,1%. Đến cuối tháng 9, tỷ lệ dương tính chung toàn TP HCM còn 0,2%.
"Những ngày qua thành phố vẫn kiên trì xét nghiệm quét lại ở các vùng đỏ, vùng cam. Tỷ lệ dương tính giảm nhiều so với trước, là tín hiệu vui của thành phố chứ không phải do giảm xét nghiệm", ông Sơn nói.
Để ứng phó với tình hình mới khi nới dần giãn cách, Thứ trưởng Y tế cho biết, thành phố đang tăng cường củng cố hệ thống y tế tuyến cơ sở bởi khả năng sẽ xuất hiện thêm nhiều ca nhiễm - do dịch đã lây lan âm thầm trong cộng đồng thời gian dài. "Tuy nhiên, số người tiêm vaccine mũi 2 đạt gần 50% nên tình hình của TP HCM khả quan", ông Sơn đánh giá.
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM, thành phố đang xây dựng kế hoạch tổ chức hoạt động xét nghiệm thích ứng với tình hình dịch bệnh hiện nay và hướng dẫn của Bộ Y tế. Hoạt động xét nghiệm tập trung cho việc giám sát phát hiện các ca bệnh mới, điều tra dịch tễ, giám sát định kỳ các khu vực nguy cơ.
Số ca Covid-19 đang điều trị tại nhà, khu cách ly và các bệnh viện của thành phố đang giảm dần. Hiện, hơn 26.000 F0 điều trị tại nhà (khi cao điểm hồi đầu tháng 9 khoảng 65.000). Hơn 15.000 người đang theo dõi tại các cơ sở cách ly tập trung (trước đây luôn trên 20.000). Hơn 29.000 người đang điều trị tại các bệnh viện (trước đây khoảng hơn 40.000). Số ca tử vong trong ngày giảm dần và được ghi nhận đã xuống thấp dưới 100.
Cùng chung quan điểm tình hình dịch ở TP HCM đang "lạc quan" dần, bác sĩ Trương Hữu Khanh (chuyên gia dịch tễ, cố vấn khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1), cho rằng thành phố đã vét F0 nhiều đợt, với tỷ lệ dương tính ở vùng đỏ hiện chỉ còn khoảng 0,3-0,4% thì "không đáng lo".
Theo bác sĩ Khanh, điều quan trọng hiện nay là mọi người cần tuân thủ 5K, đeo khẩu trang và tiêm đủ hai mũi vaccine. "Đặc biệt, ai có triệu chứng bệnh thì càng cần phải tuân thủ đeo khẩu trang và đi bệnh viện khám", bác sĩ Khanh nói. Bác sĩ lý giải, nếu một người bệnh, đã chích ngừa, mang khẩu trang thì thì rất khó phát tán virus ra xung quanh để lây lan người khác.
Bác sĩ Khanh cũng lưu ý trong giai đoạn hiện nay, người lao động trong các công ty, văn phòng, công sở thời gian này cần sắp xét công việc làm sao để ít gặp nhau nhất, tuân thủ mang khẩu trang. Người giữa các phòng ban khác nhau hạn chế tiếp xúc, ăn uống chung.
Trước nguy cơ TP HCM có nguy cơ tăng số ca mắc khi đón người các tỉnh trở lại sau khi nới giãn cách, bác sĩ Khanh cho rằng thành phố cần lên kế hoạch tiêm ngừa, cách ly 14 ngày với những ai chưa tiêm vaccine, đặc biệt lưu ý nhóm người lớn tuổi, người mắc bệnh nền.
Sau hơn 120 ngày giãn cách với nhiều cấp độ khác nhau, TP HCM nới lỏng giãn cách từ sau ngày 30/9, dỡ các chốt nội đô, bỏ giấy đi đường, nhiều ngành nghề kinh doanh, dịch vụ được hoạt động trở lại, người dân có thể đi lại nhưng không tự ý ra khỏi thành phố.
Thứ trưởng Sơn khuyến cáo người dân vẫn thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, đặc biệt tăng cường tiêm vaccine để được bảo vệ tốt hơn, giảm nguy cơ trở nặng và giảm tỷ lệ tử vong. Người dân cần tự theo dõi sức khỏe, khi có bất kỳ triệu chứng bất thường cần đến khám sàng lọc tại bệnh viện hoặc liên hệ nhân viên y tế địa phương.