Khoảng 2,9% lực lượng lao động của Mỹ đã nghỉ việc trong tháng 8, tăng từ 2,7% trong tháng 7, theo báo cáo "Khảo sát việc làm và luân chuyển lao động (JOLTS)", công bố hôm 13/10. Kết quả tháng 8 đánh dấu tỷ lệ bỏ việc cao nhất kể từ khi báo cáo bắt đầu phát hành vào cuối năm 2000.
Số lao động nghỉ việc tăng 242.000 người so với tháng 7, do ngày càng nhiều người Mỹ yêu cầu được trả lương cao hơn, điều kiện làm việc tốt hơn và sắp xếp công việc linh hoạt hơn. Các lĩnh vực có người nghỉ việc tăng gồm: lưu trú và ăn uống, thương mại bán buôn, giáo dục công lập.
"Nếu bạn không hài lòng với công việc hoặc muốn tăng lương, trong môi trường hiện tại, bạn rất dễ dàng tìm được một công việc mới. Chúng tôi đang thấy mọi người quyết định rời đi", Gus Faucher, nhà kinh tế trưởng tại PNC đánh giá.
Trong khi đó, các công ty tiếp tục vật lộn với tình trạng thiếu nhân công trầm trọng. Báo cáo của JOLTS cho thấy số lượng công việc đăng tuyển vẫn rất cao vào cuối tháng 8, ở mức 10,4 triệu, dù đã giảm từ kỷ lục 11,1 triệu trong tháng 7.
Joe Brusuelas, Nhà kinh tế trưởng tại RSM, nói diễn biến này có thể cho thấy dấu hiệu của "thời kỳ hoàng kim" với người lao động Mỹ. "Người lao động Mỹ giờ đây tự tin rằng họ có khả năng thương lượng và có thể có được mức lương hợp lý - và có ảnh hưởng đến điều kiện làm việc", Brusuelas nói.
Khả năng thương lượng đó đến từ việc họ sẵn sàng bỏ công việc mà họ không thích và tìm kiếm những công việc mới. Sự thay đổi này không chỉ tập trung vào kinh tế đơn thuần mà là sự đánh giá lại rộng hơn về chất lượng và mục đích sống.
"Đây là những gì xảy ra sau các cuộc chiến tranh lớn hoặc suy thoái", Brusuelas nói. Tất cả những điều này giúp giải thích tại sao các nhà tuyển dụng, bao gồm các nhà máy, công ty vận tải đường bộ, nhà hàng, công ty xây dựng và trường học, đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm lao động.
Về lâu dài, sự chuyển đổi lực lượng lao động như vậy sẽ là một điều tích cực, giúp nhiều người tìm thấy sự hài lòng trong sự nghiệp và các doanh nghiệp có được những nhân viên hạnh phúc hơn. Nó còn tạo điều kiện cho nhiều lao động có mức lương đủ sống, giảm bớt khoảng cách giàu nghèo đáng báo động.
Tuy nhiên, trong ngắn hạn, tình trạng thiếu lao động sẽ tiếp tục làm phức tạp thêm việc mở cửa trở lại của nền kinh tế toàn cầu, góp phần làm tăng giá cả, căng thẳng chuỗi cung ứng, thiếu hụt sản phẩm và vận chuyển chậm trễ.
Phiên An (theo CNN)