Ông Dũng đặt vấn đề, sở hữu toàn dân lẽ ra là thực quyền nhưng lại bị biến thành hư quyền bởi nhân dân không được tham khảo ý kiến trong mọi chuyện liên quan tới quản lý đất đai. "Chỉ những người có quyền, có chức quyết định mọi chuyện. Toàn dân không được hỏi ý kiến khi chính quyền thực hiện công việc rất quan trọng đó", ông nói.
Theo giáo sư, hiện nay, hội đồng nhân dân các cấp giám sát ủy ban nhân dân thực hiện quyền chủ sở hữu đất đai, quản lý Nhà nước về đất đai. Nhưng họ đều là những người làm việc trong một nhiệm kỳ nhất định và trong nhiệm kỳ đó, họ có thể đưa ra những quyết định quan trọng liên quan đến đất đai. "Nếu quyết định đó sai trái thì những người kế nhiệm cũng không làm gì khắc phục được. Tiếp tục quản lý như vậy sẽ thành đặc quyền của một số cán bộ đương quyền của địa phương" - ông nói.
Chia sẻ quan điểm với giáo sư Nguyễn Lân Dũng, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, khái niệm về quyền đại diện, Nhà nước là đại diện cho sở hữu toàn dân, cho thấy thực chất nó là một đặc quyền. "Tình trạng khiếu kiện của dân, sự xuất hiện địa chủ mới là bằng chứng. Nếu không có chế tài đủ mạnh, sự giám sát đủ hiệu lực thì Luật Đất đai sẽ được khai thác như một lợi khí cho một nhóm người có đặc quyền", ông khẳng định.
Theo thống kê, hằng năm có tới trên 10.000 vụ khiếu kiện liên quan đến đất đai, chiếm trên 65% tổng số vụ khiếu kiện của dân gửi đến các cơ quan Nhà nước. Riêng Thanh tra nhà nước tiếp nhận 5.000-7.000 đơn khiếu kiện vượt cấp liên quan đến vấn đề này.
Trong phiên thảo luận sáng nay, hầu hết các đại biểu đều cho rằng, chính sách tài chính về đất, sự yếu kém trong quản lý Nhà nước về đất là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng lộn xộn trên thị trường và gia tăng các khiếu nại. "Chính sách tài chính về đất bất hợp lý đến mức rất nhiều người dân và cả cán bộ công chức nhà nước khi có tiền, có điều kiện thì không cần đầu tư vào sản xuất kinh doanh mà nghĩ ngay đến kinh doanh đất", đại biểu Lê Thị Nga bức xúc.
Đại biểu Nguyễn Lân Dũng thì cho rằng, dự luật đưa ra rất nhiều điều lệnh xử lý vi phạm đất đai, song rất khó thực hiện và có nguy cơ tạo ra kẽ hở để phải nộp các khoản tiêu cực phí. Ông Dương Trung Quốc gay gắt hơn: "Luật có nêu chế tài, nhưng theo tôi chưa đủ để đương đầu với sự biến hóa khôn lường của bộ phận thoái hóa trong bộ máy công quyền".
Giá đất là một trong những vấn đề được nhiều đại biểu tham gia góp ý kiến. Theo bà Lê Thị Nga, cả hai loại giá đang tồn tại trong luật pháp nước ta hiện nay đều không phản ánh giá trị thực của đất. "Giá Nhà nước quy định thì quá thấp, lạc hậu và cứng nhắc, có khi thấp hơn hàng chục lần so với giá trị thực của đất, gây mất công bằng xã hội và thiệt thòi cho người dân khi bị thu hồi đất. Giá đất thị trường thì quá cao, thậm chí tại một số đô thị lớn còn cao hơn gấp vài lần so với thủ đô các nước phát triển trên thế giới", đại biểu Nga phân tích. Bà đề nghị Nhà nước nên giữ vai trò chủ đạo trong việc xác định giá đất, dựa trên các tiêu chí như điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, vị trí địa lý cụ thể của thửa đất, mục đích sử dụng và khả năng sinh lợi của thửa đất đó, đồng thời có tham khảo đến giá thị trường.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Trân cũng cho rằng, giá đất hiện được áp dụng với hệ số k thấp quá xa so với thị trường. Trong khi đó, giá thị trường thường quá cao và trở thành giá ảo.
Trong buổi thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đất đai sửa đổi sáng nay, có trên 30 đại biểu đăng ký tham gia phát biểu, song chỉ đủ thời gian cho 16 người được trình bày, số còn lại phải cho ý kiến bằng văn bản. Đa số các đại biểu cho rằng, những vấn đề liên quan tới đất đai thu hút sự quan tâm của đông đảo quần chúng nên chỉ dành 1 buổi sáng để thảo luận là quá ít.
Chiều nay, các đại biểu đã nghe và cho ý kiến về dự án Luật thi đua khen thưởng do Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thị Hoài Thu trình bày.
Song Linh