Cô bé lớp 1 chuyển từ TP HCM về quê ngoại ngoài Bắc do mẹ bận rộn, lương giáo viên không đủ nuôi con. Trước đây, mỗi năm Nhung về quê ngoại một lần nên chẳng thân thiết với ai. "Mẹ đưa tôi về, ở hai ngày rồi đi. Mọi thứ, mọi người đều lạ lẫm với đứa trẻ như tôi", Tuyết Nhung (23 tuổi) kể.
Đêm nào cô bé cũng khóc nhớ mẹ. Ông bà đau đầu, dì, cậu dỗ dành không được nên mắng "Cha mẹ mày không ra gì để cả nhà tao phải khổ". Sau hôm đó, Nhung chỉ dám tấm tức khóc khi mọi người đã ngủ say. Đến lớp, cô bé bị bạn bè trêu chọc vì nói giọng miền Nam và là "đồ không có bố mẹ".
Mỗi cuối tuần mẹ mới gọi cho Nhung một lần. Bố không bao giờ gọi, cho đến năm cô học cấp hai. "Cuộc gọi đầu tiên là để thông báo bố sắp lấy vợ khác. Tôi như chết lặng", Tuyết Nhung nói.
Năm Nhung học cấp ba, mẹ cô thông báo lập gia đình. "Tôi không sốc nữa. Tôi biết ngày này sẽ đến", cô nói. Sau đó, bố mẹ Nhung đều có những đứa con mới.
Năm cô vào đại học, họ thống nhất đóng góp tài chính để nuôi con ăn học nhưng họ chưa bao giờ chủ động gửi tiền trừ khi nhận được tin nhắn của con gái. "Có lần tôi nhắn cho bố, ông bảo gọi cho mẹ và ngược lại. Tôi biết mình là người thừa, là gánh nặng của họ", cô kể.
Không thể cứ xin tiền đóng học để rồi bị đá qua, đá lại, Nhung bỏ đi học nghề. Những lúc căng thẳng, mệt mỏi vì cuộc sống, bạn bè khuyên cô về quê. "Tôi tự hỏi đâu mới là quê. Quê của mẹ, của bố hay Sài Gòn nơi tôi sinh ra? Chẳng ở đâu cả. Tôi đáng ra không nên có mặt trên đời", Tuyết Nhung nói. Cô ước thà mồ côi còn hơn có bố mẹ như không có.
Tuyết Nhung giờ sống một mình trong phòng trọ ở Hà Nội. Năm ngoái, cô chia tay người yêu. "Ban đầu, tôi đến với anh ấy vì thấy có nhiều điểm giống bố mình. Tôi thèm được che chở nhưng hơn hai năm lại quyết định chia tay vì thấy anh say sưa, thích cá độ giống bố. Tôi sợ mình trở thành phiên bản của mẹ", cô nói.
Ở Việt Nam, mỗi năm có tới khoảng 60.000 vụ ly hôn, có nghĩa cứ bốn đôi đăng ký kết hôn có một đôi ra tòa. Điều đó đồng nghĩa hàng nghìn đứa trẻ chỉ được sống cùng cha hoặc cùng mẹ hay sống với người thân như Tuyết Nhung, thậm chí bị đẩy ra đường.
Nhà tâm lý Joan B.Kelly ở California và Robert E. Emery ở ĐH Virginia (Mỹ) kết luận trong một nghiên cứu, những người lớn lên trong cảnh cha mẹ ly hôn có xu hướng gặp khó khăn với các mối quan hệ, khó thân thiết với người khác khi còn trẻ, dễ thất vọng với hôn nhân, tỷ lệ ly hôn cao hơn.
Theo thạc sĩ tâm lý Lã Linh Nga (Hà Nội) những đứa trẻ khi trưởng thành cũng mất niềm tin vào tình yêu, có xu hướng chia tay trước, vì nghĩ "nếu mình không bỏ người ta, kiểu gì người ta cũng bỏ mình". Ngoài những đặc điểm nêu trên, nhiều đứa trẻ cho đến khi trưởng thành vẫn sống trong tâm trạng lo sợ, co cụm, khi trải qua những biến cố mà không có cha mẹ đồng hành.
Hoàng Đức, 28 tuổi, ở Hà Nội là một ví dụ. Dù đã trải qua mối tình nhiều gắn bó nhưng anh vẫn không thể tin vào hôn nhân. "Tôi cứ tưởng tượng một ngày cô ấy sẽ rời bỏ mình để đến với người khác. Nó ám ảnh đến mức tôi luôn nghi ngờ, ghen tuông", Đức nói.
Bố mẹ chia tay lúc anh mới 7 tuổi vì mẹ ngoại tình. Cậu bé về ở với bố sau khi bố mẹ ly hôn. Một năm sau, bố Đức cưới vợ và có thêm những đứa con. "Mẹ mới hứa thương tôi như con, nhưng có lần em trai về khoe mẹ dẫn đi ăn kem, dặn về đừng kể cho anh nghe", Đức nói. Mỗi khi Tết đến, cả nhà bố về nhà vợ mới, Đức được gửi về nhà nội. Năm 18 tuổi, cậu dọn vào ký túc xá sống.
Thi thoảng, giấc mơ về những cuộc cãi vã, đánh nhau, những trận say của bố thời còn sống cùng mẹ cậu vẫn trở lại trong Đức. Anh hay thức giấc lúc nửa đêm, thấy lòng trống trải.
Năm ngoái, người yêu hơn hai năm giục anh kết hôn, nhưng Đức từ chối. "Tôi không muốn cưới vợ, không muốn sinh con. Sợ cảm giác bị bỏ, tôi chủ động chia tay người yêu", anh kể.
Nguyễn Minh Hoa (20 tuổi, ở Hà Nam) đã phải sống với cô ruột từ năm cấp hai, khi bố mẹ ly hôn. Mẹ đi xuất khẩu lao động còn bố cô làm tài xế đường dài, hiếm khi về thăm con. "Chồng của cô nhiều lần quấy rối em", Minh Hoa kể với chuyên gia tâm lý.
Khi đứa cháu tâm sự với cô ruột, cô chú xảy ra xung đột. "Chú chửi em, nói vu oan cho chú để phá vỡ hạnh phúc gia đình họ, rồi đuổi em đi", cô kể. Minh Hoa cố chịu đựng cuộc sống ngột ngạt, chờ mẹ về đón mình như lời hứa, nhưng sau 5 năm xa nhau, mẹ muốn lấy chồng, không có ý định sống cùng con gái nữa. Người mẹ cho Minh Hoa một khoản tiền nhỏ, cô quyết định theo bạn bè ra Hà Nội thuê trọ, xin đi làm thuê.
"Ký ức về người chú khiến tôi sợ đàn ông. Chỉ một ánh nhìn của họ thôi cũng làm tôi toát mồ hôi, co rúm người lại", Minh Hoa nói. Những cơn hoảng sợ kéo đến dày đặc khiến cô phải tìm đến bác sĩ tâm lý.
Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Thị Minh, giảng viên Học viện hành chính quốc gia TP HCM thừa nhận một thực tế khá phổ biến là nhiều người không thể thoát khỏi ám ảnh đổ vỡ của bố mẹ, thậm chí vết thương lòng nhiều năm sau vẫn chưa lành khiến cuộc sống khi trưởng thành rất chật vật.
Nhưng chuyên gia khuyên những đứa con có cha mẹ ly hôn cần cho mình những trải nghiệm mới, nhìn vào tấm gương người khác tìm được hạnh phúc dẫu cha mẹ ly hôn, để thay đổi nhận thức, phá bỏ niềm tin cũ. "Nếu chúng ta tin mình sẽ có được hạnh phúc, tình yêu thì chúng ta vẫn sẽ có cơ hội tìm được hạnh phúc, còn nếu tin sẽ có cuộc hôn nhân bất hạnh như bố mẹ, thì chắc chắn bạn sẽ chẳng thể hạnh phúc", bà nói.
Đồng quan điểm, thạc sĩ Lã Linh Nga cho rằng những người trẻ như Nhung, Hoa, hay Đức cần có cái nhìn đầy đủ, nhiều chiều hơn về tình yêu. "Họ thường nhìn từ trải nghiệm cá nhân, quá nhạy cảm với những khía cạnh tiêu cực. Cần đặt câu hỏi tại sao bao nhiêu đời nay người ta vẫn yêu, vẫn kết hôn? Đơn giản vì nó vẫn mang lại rất nhiều điều tốt đẹp và khiến con người hạnh phúc", bà Nga nói.
Với những trường hợp như Đức, chuyên gia cho rằng vì bố mẹ ly hôn, anh không có hình mẫu ứng xử trong tình yêu phù hợp, dẫn đến sự né tránh, thất bại trong tình yêu. Với những người như vậy, cần cần có niềm tin vào bản thân và người yêu, học yêu một cách xây dựng.
Ngoài ra, bà Nga khuyên họ nên chia sẻ, mở lòng với những người mình tin tưởng, với nhà tâm lý về nhưng tổn thương, dồn nén trong quá khứ để chữa lành. "Giống như mở vết thương ra, lấy những gì còn mắc ở đó, dù sẹo vẫn còn, vết thương sẽ không gây nhức nhối nữa", chuyên gia khuyên.
* Tên một số nhân vật thay đổi.
Phạm Nga