Là một trong sáu thảo luận của Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam 2019, phiên hiến kế về khởi nghiệp và các mô hình kinh doanh mới diễn ra ở Trung tâm hội nghị quốc gia (Hà Nội) sáng nay đã thu hút sự tham dự của nhiều bộ ngành cũng như các gương mặt quen thuộc, nổi tiếng trong giới Startup của Việt Nam hiện nay.
Mở đầu phiên toạ đàm, PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đã đưa ra những con số tăng trưởng ấn tượng của các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam. Đã có hàng nghìn doanh nghiệp, 50 cơ sở ươm tạo và tổ chức thúc đẩy kinh doanh, hình thành thêm nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm của các tập đoàn lớn trong nước. Chất lượng và số lượng đơn vị đầu tư các startup có xu hướng tăng mạnh trong năm 2018 với tổng số vốn đầu tư 889 triệu USD, tăng ba lần so với năm 2017.
Theo ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, đây là năm đầu tiên sau nghị quyết TW5 khóa 10 và nghị quyết 98 của chính phủ, nhấn mạnh vai trò của kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế. 2019 cũng tiếp tục là năm trọng tâm thực hiện nhà nước kiến tạo, chính phủ hành động. Khởi nghiệp sáng tạo là một mô hình kinh tế mới. Nhưng khái niệm này lại rất quan trọng đối với phát triển kinh tế, chính trị, xã hội bền vững. Vì thế, ứng xử thế nào với mô hình kinh tế mới này là chủ đề chính của buổi thảo luận.
Mô hình kinh doanh mới là như thế nào ?
Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường Khoa học và Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng những mô hình kinh doanh mới có khả năng nhân rộng phải là những mô hình tạo ra dịch vụ, sản phẩm mới hoặc phương thức mới. Bản chất của mô hình mới này không dựa trên giá rẻ mà phải dựa trên tài sản trí tuệ, công nghệ mới, khẳng định được tính mới, tính sáng tạo và khả năng áp dụng công nghệ.
Mô hình kinh doanh mới cũng có thể hiểu là mô hình kinh doanh những gì mà trước nay chưa làm. Xét về khía cạnh tư duy, công nghệ thì mô hình kinh doanh mới áp dụng công nghệ để tạo ra sự khác biệt, ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ Thông tin, Bộ Thông Tin và Truyền thông chia sẻ.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện quản lý kinh tế Trung Ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hệ sinh thái khởi nghiệp của chúng ta đang thiếu rất nhiều và nó tạo ra những rào cản đổi mới sáng tạo.
Vốn luôn là khó khăn đối với startup Việt
Theo ông Trần Ngọc Thái Sơn, sáng lập kiêm CEO Tiki, khởi nghiệp cũng giống như khởi nghĩa, cần chuẩn bị đạn dược, đó là vốn. Các nhà đầu tư luôn đặt câu hỏi về lợi nhuận, làm sao thoái vốn thành công, nhất là với một thị trường mà công ty lên sàn rất khó khăn như Việt Nam. Các sàn chứng khoán của Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ hay Trung Quốc cho phép các công ty niêm yết mà không cần có lãi, chỉ cần có tăng trưởng. Việt Nam là thị trường hấp dẫn nhưng quy mô chưa đũ lớn, đạt mức hàng nghìn tỷ USD như một số thị trường Đông Nam Á.
Bà Linh Phạm, sáng lập kiêm CEO của Logivan Technologies cho rằng cần có chính sách tín dụng cho các người sáng lập, khởi nghiệp để họ có thể tiến xa hơn trước khi nhận được vốn từ các nhà đầu tư thiên thần. Bà cũng cho rằng, rào cản về tiếng Anh là trở ngại khiến cho nhiều nhà đầu tư nước ngoài chưa bỏ vốn nhiều vào startup Việt Nam.
Nền kinh tế tư nhân phải hợp tác với chính phủ
Để khởi thông nguồn vốn, thu hút tinh thần khởi nghiệp, nâng cao nhận thức và đảm bảo nhiệt huyết, nền kinh tế tư nhân phải hợp tác với chính phủ là kinh nghiệm từ Grab, một trong những biểu tượng startup thành công ở Đông Nam Á và giờ đã thành công ty tỷ USD.
Theo ông Jerry Lim - CEO Grab Việt Nam, chính phủ cần có những chính sách hỗ trợ, khuyến khích cho các công ty khởi nghiệp để tạo ra sân chơi bình đẳng, đóng vai trò điều tiết. Các công ty và cơ quan chính phủ cần hợp tác chặt chẽ, chọn lọc thông tin hữu ích, xác định đâu là yếu tố thành công.
Việt Nam nên có khái niệm "cò" khởi nghiệp
Tương tự như lĩnh vực bất động sản, nhà nước nên có khái niệm môi giới khởi nghiệp, ông Phạm Anh Tuấn (Quảng Ngãi), quản lý một công ty bất động sản với 4.000 nhân sự, đưa ra kiến nghị. Nhiều người có ý tưởng tốt nhưng lại thiếu kỹ năng bán hàng vì thế cần phải có người trung gian hỗ trợ, thu hút nguồn vốn đầu tư.
Đồng quan điểm, ông Trần Trí Dũng, chuyên gia chương trình khởi nghiệp Thuỵ Sỹ cho rằng cần thúc đẩy các đơn vị trung gian. Việt Nam đã có các vườn ươm, chương trình tăng tốc, chương trình hỗ trợ khởi nghiệp trong các trường đại học. Nhưng thực tế năng lực của các tổ chức này còn nhiều mặt cần bồi dưỡng.
Còn theo ông Nguyễn Trung Dũng, tổng giám đốc BK-Holding và có hơn 10 năm hỗ trợ startup, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam đã phát triển và tiến bộ nhưng như một dàn nhạc mà thiếu nhạc trưởng để dẫn dắt. Chính phủ đã đưa ra đề án rất tốt, hỗ trợ đổi mới, sáng tạo khởi nghiệp. Chưa bao giờ chính sách về khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam lại tốt như vậy. Tuy nhiên giới đại học và doanh nghiệp đang đứng ngoài cuộc chơi. Mới có doanh nghiệp lớn quan tâm vì họ thấy nếu họ ngoài cuộc sẽ bị diệt vong.
Không nên quá kỳ vọng vào các Startup từ sinh viên
Bà Nguyễn Phương Thảo, Đại học Kinh tế TP HCM cho biết với start up ở giai đoạn non trẻ, không thể kêu gọi được vốn, trường ĐH Kinh tế TP HCM có thể kết nối họ tới mạng lưới các nhà đầu tư thiên thần để thúc đẩy Startup đi xa hơn. "Chúng tôi mong muốn thúc đẩy thương mại hoá các sản phẩm khoa học công nghệ. Các bạn có thể ứng dụng công nghệ mới, nhưng để thương mại hoá lại là vấn đề khác".
Còn theo bà Trịnh Thu Hà, Phó hiệu trưởng Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội, hiện nay chưa có chương trình đào tạo đổi mới sáng tạo chung, thống nhất trong bộ giáo dục đào tạo. Vì thế đề nghị cần có một chương trình chung, thống nhất để các trường không phải phải tự "bơi". Bà Trịnh Thu Hà cho rằng không nên quá kỳ vọng vào các Startup từ sinh viên vì nhiệm vụ chính của các em vẫn là học tập, nhưng đây là sẽ nguồn lực tương lai cho khởi nghiệp sáng tạo.
Chính phủ cần hỗ trợ bảo hộ ý tưởng sáng tạo
Nếu chính phủ có một cổng thông tin chung, khi doanh nghiệp có ý tưởng sáng tạo sản phẩm hay dịch vụ có thể có thể đăng ký ngay để bảo hộ ý tưởng sáng tạo, người mua hàng trong và ngoài nước biết đến sản phẩm đó, liên thông tới các thị trường khác, không xảy ra tình trạng mất thương hiệu. Thông qua cổng thông tin này, các ngân hàng có hỗ trợ cho doanh nghiệp cũng dễ dàng hơn khi đã có các xác thực được kiểm chứng, bà Phi Thị Ngọc Anh, giám đốc một hệ thống phân phối đưa ra kiến nghị gần cuối hội thảo.
Tổng kết giải pháp hiến kế cụ thể
Kết thúc hội thảo, bà Trương Lý Hoàng Phi, Sáng lập trung tâm khởi nghiệp sáng tạo TP HCM (BSSC), Giám đốc Vintech City đã đưa các giải pháp cụ thể dựa trên 5 nhóm ý kiến:
Giải pháp 1: Nguồn vốn
- Chính sách liên quan đến khuyến khích IPO, giữa các doanh nghiệp IPO với doanh nghiệp start up và chính sách đầu tư nước ngoài.
- Huy động vốn từ cộng đồng thế nào, có nên khuyến khích mô hình crown-funding hay không?
- Hợp tác công - tư trong đầu tư. Các doanh nghiệp lớn của Việt Nam có thể đóng vai trò dẫn dắt cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Ở các nền kinh tế lớn đều có doanh nghiệp dẫn đầu và những doanh nghiệp này họ có những mối quan hệ trong kinh doanh để giúp cho start up.
- Các nhà đầu tư thiên thần cũng như quỹ đầu tư đóng vai trò quan trọng trong vấn đề nguồn vốn nên cần ban hành các chính sách khuyến khích họ đưa vốn vào doanh nghiệp start up, như cách họ đưa vốn vào bất động sản hay chứng khoán. Với tính mạo hiểm cao, các nhà đầu tư cần có chính sách tốt hơn.
Giải pháp 2: Tổ chức trung gian khởi nghiệp hay còn gọi là "cò" khởi nghiệp
Mô hình kinh doanh mới không chỉ từ start up mà các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp cũng phát sinh nhiều hình thức hỗ trợ mới. Cần có chính sách đặc thù để hỗ trợ cho các tổ chức trung gian này. Ngoài ra, khi đưa ra các chương trình thí điểm nên tham khảo ý kiến của các tổ chức trung gian này. Khuyến khích môi trường hỗ trợ khởi nghiệp đặc biệt.
Giải pháp 3: Vấn đề pháp lý
Không đòi hỏi quyền đặc biệt nhưng về pháp lý, không hình sự hoá các quan hệ về kinh doanh vì khi làm những cái mới cần có sự hướng dẫn của các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, trung gian khởi nghiệp cũng như cơ quan nhà nước nên nhìn nhận vấn đề một cách đơn giản hơn.
Giải pháp 4: Đào tạo
Các trường đại học, các tổ chức trung gian khởi nghiệp cần đào tạo cách đi ra thị trường bên ngoài, cách thương mại hoá một sản phẩm khoa học công nghệ, và quan trọng nhất là tinh thần khởi nghiệp.
Giải pháp 5: Những hỗ trợ khác
Những hỗ trợ khác có thể kể đến từ chính phủ như kêu gọi nguồn vốn bên ngoài, chính sách dành cho doanh nghiệp lớn để họ có động lực hơn khi tham gia vào thị trường start up. Chính sách khuyến khích các mô hình khởi nghiệp vốn đã thành công ở các thị trường thế giới hoặc các mô hình thành công ở thị trường Việt Nam, cởi mở hơn.
Nhóm phóng viên
Xem diễn biến chính