Trong giai đoạn một tính đến 31/12/2015, 5 thành phố trực thuộc Trung ương gồm Hà Nội (cũ), TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ bắt đầu ngừng phát sóng các kênh chương trình analog (tương tự) để chuyển sang truyền hình số mặt đất.
Hà Nội đưa chỉ tiêu sẽ có 60% hộ gia đình sử dụng truyền hình số mặt đất vào năm 2016, đến năm 2017 là 80% và năm 2020 có 100% hộ gia đình sử dụng truyền hình số mặt đất.
Từ tháng 9/2013, Đà Nẵng đã tiên phong thử nghiệm phát sóng số, và dự kiến đến hết tháng 6/2015, Đà Nẵng và Bắc Quảng Nam sẽ dừng sóng analog.
Giai đoạn hai kết thúc trước ngày 31/12/2016 bao gồm Hà Nội (mở rộng), Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Bắc Giang, Phú Thọ, Khánh Hòa, Bình Thuận, Ninh Thuận, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Hậu Giang.
Giai đoạn 3 và 4 hoàn thành vào 31/12/2020 và áp dụng với các tỉnh còn lại trên cả nước.
Lợi ích của việc số hóa truyền hình
Người dân có thể xem chương trình truyền hình với chất lượng cao: Chuẩn DVB-T2 là công nghệ mới với khả năng nén tín hiệu MPEG-4/H.264, mang đến chất lượng âm thanh, hình ảnh cao hơn, đồng thời giúp khắc phục hiện tượng bóng mờ, nhiễu tín hiệu... của truyền hình analog - công nghệ đã xuất hiện hơn 60 năm trước.
Tăng số lượng kênh HD và 3D: Với truyền hình analog, một kênh tần số chỉ phát được một chương trình truyền hình trong khi hiện nay, tài nguyên tần số vô tuyến điện đã cạn kiệt. Với DVB-T2, một kênh tần số có thể phát được 15-20 chương trình, cũng như dễ nâng cấp từ chuẩn SD sang HD, 3D, 4K…
Tiết kiệm chi phí: Hiện nay, để xem truyền hình kỹ thuật số, người dân phải mua TV và đầu thu set-top box riêng, nhưng với việc TV tích hợp sẵn chuẩn DVB-T2, họ sẽ không cần đến đầu thu nữa. Chi phí sản xuất TV hỗ trợ chuẩn mới cũng không tăng lên, do đó giá bán TV không thay đổi.
Từ ngày 1/4, người dân tại Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng và khu vực Bắc Quảng Nam nếu dùng TV chuẩn DVB-T2 hoặc TV cũ có gắn đầu thu DVB-T2 có thể xem được 15 kênh truyền hình số phát sóng quảng bá, trong đó có 3 kênh HD của VTV.
Động thái của các nhà sản xuất TV và các siêu thị điện máy
Từ cuối năm 2013, một số hãng điện tử lớn của Nhật và Hàn Quốc như Panasonic và Sharp đã nhanh chóng phân phối ra thị trường Việt Nam TV theo chuẩn DVB-T2. Samsung đã tích hợp chuẩn mới cho tất cả mẫu TV 2014 màn hình trên 32 inch trong khi 30 mẫu TV chuẩn DVB-T2 của LG cũng đã được bán ra tại thị trường trong nước và đều là LED TV. Các dòng TV Sony ra đời năm 2013 và 2014 có tên bắt đầu là KDL hoặc KD đều tích hợp bộ giải mã truyền hình DVB-T2. TCL, Toshiba... cũng đã báo cáo với Bộ Thông tin và Truyền thông về những mẫu TV công nghệ mới sẽ được cung cấp ra thị trường thời gian tới.
Các hệ thống siêu thị điện máy đã sẵn sàng cho thời điểm chuyển đổi 1/4. Đại diện của MediaMart, Pico và Trần Anh cho hay hiện còn rất ít sản phẩm chưa tích hợp chuẩn DVB-T2 vì hầu hết các nhà sản xuất như Sony, Samsung, LG đã chủ động lên lộ trình theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước, tránh bị động do gấp gáp.