Hôm qua (20/8), Trung tâm Cải tiến dữ liệu toàn cầu báo cáo rằng Trung Quốc đang nhanh chóng giảm khoảng cách về Trí tuệ nhân tạo (AI) so với các quốc gia phương Tây. "Văn hóa công nghệ của Trung Quốc sẵn sàng chấp nhận AI hơn các nước khác", báo cáo viết.
Với dân số gần 1,4 tỷ và 829 triệu người dùng Internet, nhiều chuyên gia cho rằng Trung Quốc có lợi thế rất lớn để áp dụng AI nhanh chóng, bởi họ có quyền truy cập vào các tập dữ liệu khổng lồ trên nền tảng phát triển Trí tuệ nhân tạo trong tương lai. Báo cáo cũng chỉ ra rằng Mỹ hiện dẫn đầu bốn trong số sáu loại số liệu được kiểm tra (tài năng, nghiên cứu, phát triển và phần cứng), còn Trung Quốc dẫn đầu hai chỉ số (ứng dụng và dữ liệu). Dựa trên phương pháp tính điểm với thang 100, Mỹ ghi được 44,2 điểm, tiếp theo là Trung Quốc với 32,3 điểm và EU đứng thứ ba với 23,5 điểm.
AI đang đảm nhận vai trò quan trọng trong kế hoạch tổng thể "Made in China 2025" của Bắc Kinh, hứa hẹn sẽ giúp Trung Quốc trở thành một siêu cường sản xuất, thay thế việc nhập khẩu bằng các sản phẩm nội địa và vượt qua những nước phương Tây về lĩnh vực công nghệ cao.
Mặc dù Mỹ vẫn đang dẫn đầu về AI trên thế giới. Tuy nhiên, Trung Quốc đang áp dụng nhanh chóng các công nghệ Trí tuệ nhân tạo vào nhiều lĩnh vực cuộc sống, từ bắt tội phạm, phát hiện ung thư đến phát triển xe tự lái. Những công ty công nghệ lớn như Baidu, Tencent Holdings và Alibaba Group Holding đã đầu tư hàng tỷ USD vào AI để tăng cường hệ sinh thái của họ.
"Trung Quốc đang thực sự dẫn đầu trong việc áp dụng AI, bởi vì nhu cầu thị trường là rất lớn", Gu Wenjun, nhà phân tích tại công ty bán dẫn ICWise có trụ sở tại Trung Quốc cho biết. "Người Trung Quốc cũng có xu hướng chấp nhận công nghệ mới tương đối nhanh so với các thị trường phương Tây", ông nói. "Các công ty AI của Trung Quốc rất năng động nhưng khi nói tới chip, chìa khóa để chiến thắng trong cuộc chiến AI thực sự, chúng tôi vẫn bị tụt lại phía sau".
Chính phủ Trung Quốc đang đổ rất nhiều tiền vào ngành công nghiệp chip nội địa để đạt được mục tiêu "tự cung tự cấp" cao hơn. Theo báo cáo của Bloomberg vào tháng ba, Quỹ đầu tư Mạch tích hợp bán dẫn Trung Quốc đã được nhà nước hậu thuẫn, còn được biết đến là quỹ Big Fund, mong muốn kêu gọi khoảng 200 tỷ nhân dân tệ (hơn 650.000 tỷ đồng) trong vòng gọi vốn thứ hai, để đầu tư vào các công ty chip nội địa.
Trang think-tank cũng nhận định rằng các ứng dụng AI thường phát triển mạnh khi có sự hợp tác lớn. "Ví dụ, các nhà nghiên cứu tại Đại học California ở San Diego đã đào tạo một hệ thống AI về hồ sơ y tế với dữ liệu lấy từ 1,4 triệu lượt người tới khám tại một trung tâm y tế ở Quảng Châu. Hệ thống có thể chuẩn đoán bệnh hen với tỷ lệ chính xác cao hơn 90% và bệnh đường tiêu hóa chính xác 87%".
Một lộ trình gồm ba bước đang được Trung Quốc thực hiện. Đầu tiên, bắt kịp các công nghệ và ứng dụng AI hàng đầu nói chung vào năm 2020. Tiếp theo, đạt được những đột phá về AI vào năm 2025. Cuối cùng, dẫn đầu thế giới trong ngành công nghiệp AI trị giá 150 tỷ USD vào năm 2030.
Ngọc Bình (theo SCMP)