Theo Maarten Schenk, Giám đốc công nghệ của Lead Stories, nhóm đã phát hiện thuyết âm mưu cho rằng virus Corona là vũ khí hóa học của Bắc Kinh. Nội dung này đã được chia sẻ rộng trên nhiều nền tảng mạng xã hội. Ông cũng trích dẫn một số bài đăng tự nhận có "nguồn tin mật trong quân đội Trung Quốc" nói virus Corona đã khiến hàng nghìn người tử vong, vượt xa con số ước tính từ các nguồn chính thức. Tuy nhiên, thông tin không chính xác.
Phát ngôn viên của Facebook thông báo trên CNN Business rằng, công ty đang làm việc cùng các đối tác để kiểm chứng nội dung liên quan dịch bệnh. Khi các bài đăng và liên kết bị khiếu nại, hệ thống sẽ giảm khả năng chia sẻ trên nền tảng và cảnh báo người dùng về thông tin sai lệch.
Ví dụ điển hình khác là một video đăng trên YouTube vào tuần trước về vụ nổ tại thành phố Vũ Hán, nơi bùng phát virus Corona. Video thu hút gần 90.000 lượt xem. Trong phần mô tả, tác giả nói đây là biện pháp của Trung Quốc nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Tuy nhiên, Lead Stories cho biết video này đã được ghi lại từ năm 2015.
Phát ngôn viên của Google nói công ty đã điều chỉnh chính sách của công cụ tìm kiếm Google Search và YouTube trong vài năm gần đây để ưu tiên hiển thị kết quả từ các nguồn tin chính thức.
Trên Twitter, người dùng tìm từ khóa "coronavirus" ở nhiều quốc gia sẽ được khuyến cáo "cập nhật thông tin chuẩn xác" từ cơ quan y tế địa phương và Tổ chức y tế thế giới (WHO). Theo phát ngôn viên của Twitter, đã xuất hiện 15 triệu bài đăng liên quan đến virus Corona trong vòng một tháng qua.
Ngoài ra, tổ chức kiểm chứng thông tin Media Matter for America, cũng phát hiện sự lan truyền thông tin sai sự thật về trên TikTok, mạng xã hội video ngắn đang ngày càng phổ biến trên toàn cầu của ByteDance. Công ty khẳng định hành vi phát tán tin giả gây tổn hại cho cộng đồng bị cấm trên nền tảng. "Dù chúng tôi khuyến khích người dùng chia sẻ chủ đề quan trọng, chúng tôi vẫn loại bỏ nỗ lực nhằm xuyên tạc sự thật có chủ ý", phát ngôn viên TikTok nói.
Việt Anh (theo CNN Business)