"Em là sinh viên đang kẹt ở Hà Nội, bố mẹ ở quê khó khăn và cũng không thể gửi đồ ăn lên. Mong mọi người hỗ trợ", Phạm Diện gửi yêu cầu của mình lên ứng dụng Zalo hôm 13/8. Ít giờ sau, có người nhắn tin cho Diện hỏi thăm tình hình, đồng thời chuyển khoản cho cậu 300.000 đồng để mua đồ ăn.
Giống Diện, Đỗ Quang, "anh cả" trong một nhóm thợ công trình 10 người tại Nam Từ Liêm (Hà Nội), không có thu nhập vì dịch bệnh. Thấy thông báo trên ứng dụng về tính năng mới, anh thử gửi yêu cầu của mình lên, nói rõ hoàn cảnh và nhu yếu phẩm cần thiết. Sau một ngày, anh nhận được giúp đỡ từ hai người lạ. "Họ không gặp trực tiếp, nhưng gửi cho chúng tôi gạo, mỳ, dầu ăn, nước mắm ở một địa điểm gần nhà để chúng tôi đến lấy. Nếu không có sự hỗ trợ này, chắc chắn mấy hôm tới sẽ rất khó khăn", anh Quang nói.
Anh Quang và Diện là hai trong số những người tìm được sự hỗ trợ nhờ tính năng Zalo Connect, được triển khai trên Zalo từ đầu tháng 8 tại 20 tỉnh thành, tập trung vào những khu vực đang giãn cách xã hội. Người dùng thông qua nền tảng này có thể hỗ trợ nhau về lương thực, nhu yếu phẩm, dụng cụ y tế hoặc tư vấn y khoa.
Để sử dụng, người dùng truy cập ứng dụng Zalo, gõ "Zalo Connect" trên thanh tìm kiếm. Ngoài ra khi mở Nhật ký, banner của tính năng này được hiển thị lớn ở đầu bảng tin. Nếu cần hỗ trợ, người dùng vào mục "Tôi cần giúp đỡ", sau đó chọn Tiếp tế hoặc Tư vấn y khoa và ghi những thứ mình cần. Tiếp đến, cần điền đầy đủ thông tin liên hệ như họ tên, số điện thoại và địa chỉ, hoặc để ứng dụng tự động điền dựa trên thông tin tài khoản và dữ liệu định vị.
Nếu muốn hỗ trợ người khác, mục "Tôi muốn giúp đỡ" cũng hiện vị trí của những người đang cần hỗ trợ ở gần địa điểm của người dùng. Người chưa được hỗ trợ được hiển thị màu cam, người đã được hỗ trợ hiển thị màu xanh, cùng số lượt hỗ trợ. Người dùng có thể bấm vào các chấm này để xem chi tiết nhu cầu của người nhận.
"Tính năng này khá tiện lợi vì tôi có thể biết những người cần giúp đỡ ở quanh mình và có thể hỗ trợ mà không cần di chuyển nhiều, đồng thời tránh việc người nhận được nhiều, người không được", Lưu Hằng (Nam Từ Liêm, Hà Nội) nói. Chị đánh giá sự tiện lợi của giải pháp này là sau khi thấy thông tin, chị có thể nhắn tin luôn qua ứng dụng để hỏi tình hình và tìm cách trợ giúp phù hợp nhất.
Tuy nhiên, trong quá trình hỗ trợ, chị Hằng cũng gặp một người sử dụng nhiều tài khoản để tạo các yêu cầu hỗ trợ khác nhau, khiến chị mất nhiều thời gian xác minh hơn.
Đại diện Zalo cho biết đội ngũ đang tập trung phát triển tính năng này nên chưa thể chia sẻ nhiều thông tin liên quan. Theo thống kê, có khoảng 93% số yêu cầu hỗ trợ của người dân thời gian qua liên quan đến vấn đề lương thực, 24% về nhu yếu phẩm, 8% cần thuốc men, vật dụng y tế, và 7% cần bác sĩ tư vấn về sức khỏe.
Thời gian qua, nhiều giải pháp công nghệ kết nối người hỗ trợ và cần hỗ trợ cũng được triển khai trên khắp cả nước. Từ giữa tháng 7, giải pháp SOSMap giúp người cho và nhận nhu yếu phẩm có thể tìm thấy nhau đã được triển khai tại TP HCM. Mới đây, Trung tâm Công nghệ phòng chống Covid-19 quốc gia cũng bảo trợ cho hai giải pháp gồm Giúp tôi! - kết nối bệnh nhân với bác sĩ tư vấn và Zalo Connect - kết nối người cần hỗ trợ nhu yếu phẩm và tư vấn y khoa.
Lưu Quý