Những ngày qua, Cook và Zuckerberg đã có những xung đột khó giải quyết. Facebook đã có phản ứng khá gay gắt về những thay đổi trên iOS 14. Tim Cook sau đó ám chỉ trong một bài phát biểu rằng Facebook lợi dụng dữ liệu người dùng để kiếm tiền. Đỉnh điểm là khi một nguồn tin cho biết mạng xã hội của Mark Zuckerberg sẽ kiện Apple vì "phân biệt đối xử" trên App Store.
Xung đột giữa Apple và Facebook đã xảy ra cả thập kỷ qua. Tuy nhiên, mối quan hệ thù địch giữa hai người đứng đầu chỉ xảy ra khoảng 7 năm trở lại đây.
Căng thẳng giữa Mark Zuckerberg và Tim Cook công khai vào năm 2014, khi CEO Apple chê mô hình kinh doanh của Facebook. Tháng 9/2014, ông đã có một cuộc phỏng vấn với Charlie Rose, đề cập một loạt các chủ đề, gồm quyền riêng tư. Trong đó, Cook liên tục nhắc đến cam kết của Apple về quyền riêng tư, đồng thời cho rằng mô hình kinh doanh của các công ty, như Google và Facebook, vi phạm nghiêm trọng quyền này.
"Tôi nghĩ mọi người nên tự hỏi, các công ty đang kiếm tiền bằng cách nào", Cook mở đầu. "Nếu họ kiếm tiền chủ yếu bằng cách thu thập dữ liệu cá nhân, người dùng có quyền lo lắng. Bạn thực sự nên biết điều gì đang xảy ra với những dữ liệu đó".
Trong một bức thư ngỏ trên website Apple sau đó, ông nhắc lại lập trường của mình: "Vài năm trước, người dùng các dịch vụ Internet bắt đầu nhận ra rằng khi dịch vụ trực tuyến miễn phí, bạn không phải là khách hàng. Bạn là sản phẩm".
Trong một phỏng vấn với Time cuối 2014, Mark Zuckerberg đã rất tức giận trước những lời khẳng định của Tim Cook. "Tôi đã rất thất vọng khi ngày càng có nhiều người cho rằng mô hình kinh doanh bằng quảng cáo không phù hợp với người dùng. Thật nực cười", ông nói. "Bạn nghĩ rằng mình trả tiền cho Apple thì bạn ngang hàng với họ? Nếu bạn là đồng minh với họ, bạn đã làm cho sản phẩm của họ rẻ hơn rất nhiều rồi".
Cuộc tranh cãi giữa Tim Cook và Mark Zuckerberg ngày càng gay gắt sau bê bối rò rỉ dữ liệu Cambridge Analytica, liên quan đến Facebook. Khi đó, Cambridge Analytica đã thu thập dữ liệu của 50 triệu người dùng mà không có sự đồng ý của họ.
Trong phỏng vấn với Recode và MSNBC với cùng câu hỏi: "Ông sẽ làm gì nếu đứng ở vị trí của Mark Zuckerberg". CEO Apple lập tức đáp rằng: "Tôi sẽ không ở trong tình huống này".
Theo Tim Cook, Facebook lẽ ra nên tự quản lý các vấn đề về dữ liệu người dùng chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, ông cho rằng điều đó dường như "vượt quá khả năng" của Facebook.
Ông cũng lặp lại quan điểm rằng mạng xã hội của Mark Zuckerberg coi người dùng là sản phẩm. "Sự thật là chúng tôi có thể kiếm được rất nhiều tiền từ khách hàng, nếu khách hàng là sản phẩm của chúng tôi", Cook nói. "Nhưng chúng tôi đã không làm điều đó".
Nói với The Ezra Klein, Mark Zuckerberg cho rằng mô hình kinh doanh của Facebook có đặc thù riêng, đồng thời bác bỏ ý kiến cho rằng mạng xã hội của mình không tập trung vào việc phục vụ mọi người mà chỉ thu thập dữ liệu cho quảng cáo. Ông một lần nữa chỉ trích Apple độc quyền và bán ra sản phẩm với giá "cắt cổ".
Tháng 11/2018, New York Times xuất bản một báo cáo mô tả chi tiết hậu quả của bê bối Cambridge Analytica. Trang này tiết lộ rằng Mark Zuckerberg đã bị Tim Cook "xúc phạm nặng nề". Một trong những phản ứng của ông chủ Facebook sau đó là cấm đội ngũ quản lý công ty dùng iPhone và phải chuyển sang thiết bị Android.
Facebook sau đó giải thích: "Tim Cook liên tục chỉ trích mô hình kinh doanh của chúng tôi và CEO rõ ràng không đồng ý. Chúng tôi từ lâu đã khuyến khích nhân viên và giám đốc điều hành sử dụng Android, vì nó là hệ điều hành phổ biến nhất trên thế giới".
Sang năm 2020, Mark Zuckerberg ngày càng gay gắt với Tim Cook khi Apple ra tính năng App Tracking Transparency trên iOS 14 - thông báo tới người dùng những dữ liệu nào sẽ bị thu thập để giúp họ đưa ra quyết định có nên tải về hay không. Trong một cuộc họp toàn công ty, ông đã công khai chỉ trích rằng Apple "kiểm soát như một người gác cổng với những gì có trên điện thoại".
Bên cạnh đó, Zuckerberg còn tố cáo App Store "ngăn chặn sự đổi mới và cạnh tranh", cũng như "cho phép Apple tính phí độc quyền". Khi đó, cửa hàng ứng dụng của Apple nhận hàng loạt chỉ trích khác từ Epic Games hay Spotify vì áp dụng mức phí 30% trên tổng doanh thu, đồng thời đối mặt với giám sát chống độc quyền từ Quốc hội Mỹ.
Mặc cho phản ứng, Apple vẫn đưa tính năng App Tracking Transparency lên 14.3. Trong một bài đăng trên blog vào tháng 8, Facebook cho biết họ có thể buộc phải đóng cửa Audience Network cho iOS, một công cụ cá nhân hóa quảng cáo trong các ứng dụng của bên thứ ba. "Đây không phải là thay đổi mà chúng tôi muốn thực hiện. Nhưng rất tiếc, bản cập nhật iOS 14 của Apple đã buộc phải đưa ra quyết định này", đại diện Facebook cho biết.
Lời phàn nàn từ Facebook và các nhà phát triển buộc Apple phải hoãn công cụ bảo mật mới của mình với lý do "cho các nhà phát triển thời gian để thực hiện những điều chỉnh cần thiết".
Thời gian gần đây, Facebook tiếp tục chỉ trích mạnh mẽ chiến lược của Apple. Tháng 12/2020, mạng xã hội này đã tạo ra một trang web chỉ trích các động thái của Apple có thể gây hại cho các doanh nghiệp nhỏ, nhưng không nhắc đến thiệt hại của Facebook. Công ty cũng đã mua quảng cáo toàn trang trên nhiều tờ báo để chỉ trích thay đổi về chính sách riêng tư của "Quả táo".
Zuckerberg nhiều lần nhấn mạnh hành động này sẽ "giết chết" các nhà phát triển cũng như các doanh nghiệp nhỏ - những công ty vốn cung cấp ứng dụng dưới dạng miễn phí và nguồn sống của họ chủ yếu đến từ quảng cáo. Ông cảnh báo những gì Apple đang làm sẽ buộc các nhà phát triển phải chuyển sang ứng dụng trả phí, khiến mô hình miễn phí sớm biến mất trên App Store.
Trong phát biểu báo cáo tài chính quý I/2020 hôm 27/1, Mark Zuckerberg cũng dành thời gian để nhắc đến Apple. Vấn đề liên quan đến phần mềm nhắn tin riêng tư WhatsApp. Gần đây, Facebook đang có kế hoạch liên thông dữ liệu của ứng dụng này với các nền tảng khác trong hệ sinh thái gồm Facebook, Messenger và Instagram gây phản ứng trái chiều.
Trong khi đó, Apple đã gắn nhãn về quyền riêng tư cho các ứng dụng trên App Store, gồm WhatsApp. Trong một phân tích của New York Times, nhãn quyền riêng tư của WhatsApp cho thấy nó thu thập nhiều thông tin từ người dùng hơn bình thường.
CEO Facebook khẳng định nhà sản xuất iPhone đưa ra những tuyên bố về quyền riêng tư "gây hiểu lầm". "Giờ đây, Apple phát hành cái gọi là 'nhãn cảnh báo' nhưng lại tập trung phần lớn vào siêu dữ liệu mà các ứng dụng thu thập hơn là quyền riêng tư và bảo mật của người dùng khi nhắn tin", Zuckerberg nói. "Mặc định, iMessage vẫn lưu trữ tin nhắn không được mã hóa đầu cuối, trừ khi bạn tắt iCloud".
Người đứng đầu Facebook mô tả Apple là "một trong những đối thủ cạnh tranh lớn nhất", nhưng cho rằng Apple đang ưu tiên "lợi ích cạnh tranh" hơn quyền riêng tư của người dùng. "Apple có mọi động lực để sử dụng vị trí thống trị, can thiệp vào cách các ứng dụng hoạt động với mục đích cuối cùng là lợi ích của riêng họ", Zuckerberg nói thêm.
Trong phát biểu mới nhất, CEO Apple đáp trả cứng rắn những công kích từ Mark Zuckerberg và Facebook, dù không nhắc đến tên đối thủ. "Nếu một doanh nghiệp được xây dựng dựa trên việc đánh lừa người dùng về sử dụng dữ liệu, về những lựa chọn vô nghĩa, nó không xứng đáng được ca ngợi. Nó cần được cải cách", Cook phát biểu tại Ngày Riêng tư Dữ liệu Quốc tế được tổ chức tại Brussels (Bỉ).
Trong khi đó, các Giám đốc điều hành của Facebook đang thảo luận những vấn đề về pháp lý từ tháng 12/2020 và sắp đệ đơn kiện Apple, theo New York Times. Theo nguồn tin nội bộ, mạng xã hội của Zuckerberg cho rằng Apple đã ưu ái cho các ứng dụng của riêng mình, đồng thời đưa ra quy tắc hạn chế với nhà phát triển ứng dụng của bên thứ ba làm hạn chế khả năng cạnh tranh.
Theo giới quan sát, trước những diễn biến đang xảy ra, xung đột giữa Apple và Facebook, giữa Cook và Zuckerberg sẽ tiếp tục leo thang thời gian tới.
Bảo Lâm tổng hợp