"Mỗi ngày, hàng tỷ USD đổi chủ, vô số quyết định được đưa ra dựa trên những thứ thích và không thích, bạn bè và gia đình, các mối quan hệ và những cuộc trò chuyện của chúng ta", Tim Cook phát biểu tại một hội nghị về quyền riêng tư ở Brussels (Bỉ) tháng 10/2018. "Những thứ được cho là vụn vặt và tưởng như vô hại đó đã được tổng hợp và đem bán một cách tinh vi".
Tim Cook không nhắc đến Facebook hay bất kỳ công ty nào trong bài phát biểu của mình. Nhưng theo các nhà quan sát, một trong những mục tiêu ông đang nhắm đến là công ty của Mark Zuckerberg. Kể từ khi thành lập đến nay, Facebook đã xây dựng "đế chế" toàn cầu bằng cách thu thập dữ liệu của người dùng, chủ yếu cho mục đích quảng cáo. Doanh thu quý III của mạng xã hội này đạt 20 tỷ USD, gần 99% trong số đó đến từ quảng cáo.
Bài phát biểu của Tim Cook tại Brussels chỉ là một trong những bài phát biểu mà người đứng đầu Apple nhằm vào Facebook. Ngược lại, Mark Zuckerberg cũng không hiếm lần chỉ trích Apple là độc quyền và hoạt động với mô hình kinh doanh chỉ muốn có lợi cho mình. Cả hai đã đối đầu nhau trong một thập kỷ qua, không gay gắt, nhưng ngọn lửa vẫn âm ỉ và có thể bùng cháy bất cứ lúc nào.
Trong một phỏng vấn được đăng trên trang bìa của Tạp chí Time năm 2014, người đứng đầu Facebook đã chỉ trích lập trường của Apple và Tim Cook về quyền riêng tư. "Tôi đã rất thất vọng khi ngày càng có nhiều người cho rằng mô hình kinh doanh bằng quảng cáo là không phù hợp với người dùng. Tôi nghĩ thật nực cười", Zuckerberg nói. "Bạn nghĩ rằng mình đang trả tiền cho Apple thì bạn đứng ngang hàng với họ? Nếu bạn là đồng minh với họ thì đã làm cho sản phẩm của họ rẻ hơn rất nhiều rồi".
Cuộc "khẩu chiến" giữa Apple và Facebook trong thập kỷ qua làm nổi bật sự khác biệt cơ bản về quan điểm giữa hai "gã khổng lồ công nghệ" về cách thức kinh doanh được áp dụng trên Internet.
Theo quan điểm của Facebook, Internet được ví như "miền Tây hoang dã" ở Mỹ, nơi có vô số nền tảng cạnh tranh để cung cấp các dịch vụ sáng tạo và miễn phí. Người dùng có thể không cần dùng tiền để trả cho dịch vụ, đổi lại, họ cho phép công ty cung cấp dịch vụ thu thập dữ liệu cá nhân phục vụ mục đích quảng cáo.
Theo quan điểm của Apple, Internet là một phần mở rộng của cuộc cách mạng máy tính bắt đầu những năm 1980. Điện thoại của mỗi người là thiết bị mang tính cá nhân nhất. Mỗi người phải được lựa chọn cho phép hoặc từ chối cung cấp dữ liệu, đồng thời phải được biết các công ty thu thập dữ liệu làm gì với thông tin đó nếu đồng ý.
Xung đột giữa Apple và Facebook đã lên đỉnh điểm tuần trước, khi Apple tung ra tính năng mới - App Tracking Transparency - cho iOS 14.3. Tính năng này thông báo cho người dùng những dữ liệu nào sẽ bị thu thập, giúp họ đưa ra quyết định có nên tải về hay không.
Tuy nhiên, những thứ mà Apple đang áp dụng lại gây nguy hiểm cho mô hình kinh doanh của Facebook. Mạng xã hội đã chạy quảng cáo toàn trang trong hai ngày để chỉ trích và phản đối các kế hoạch của Apple.
Facebook tuyên bố động thái của Apple sẽ "giết chết" các nhà phát triển cũng như các doanh nghiệp nhỏ - những công ty vốn cung cấp ứng dụng dưới dạng miễn phí và nguồn sống của họ chủ yếu đến từ quảng cáo. Mạng xã hội của Zuckerberg cũng cảnh báo những gì Apple đang làm sẽ buộc các nhà phát triển ngừng cung cấp ứng dụng miễn phí, khiến mô hình này sớm biến mất trên App Store.
Bên cạnh đó, Facebook còn tố Apple có thể trục lợi dựa trên mô hình mới. Bởi, khi chuyển qua hình thức thu phí, Apple sẽ nghiễm nhiên thu 15 đến 30% doanh thu từ các ứng dụng này.
Facebook đã vẽ bức tranh không mấy tích cực về đối thủ và ra sức chỉ trích. Đối với mạng xã hội này, Apple là một công ty độc quyền, chuyên đưa ra các quy tắc để kiểm soát nền tảng của mình. Những quy tắc này được "Quả táo" thiết kế để ép các doanh nghiệp nhỏ và buộc họ phải đi theo mô hình trả phí. Thông điệp này đã được Facebook triển khai trên nhiều mặt trận truyền thông, từ quảng cáo trên báo, bài đăng blog, đăng trên Instagram cho đến một website tập hợp các doanh nghiệp nhỏ đang áp dụng mô hình quảng cáo của mạng xã hội.
Apple phản đối các cáo buộc của Facebook.
Đại diện công ty iPhone cho biết các quy tắc mới vừa được hãng áp dụng trên App Store sẽ không yêu cầu Facebook phải "thay đổi cách tiếp cận người dùng và tạo quảng cáo được nhắm mục tiêu". Thay vào đó, Facebook chỉ cần cung cấp cho người dùng thiết bị của Apple tùy chọn sử dụng tính năng mới hoặc không.
"Chúng tôi cho rằng đây là vấn đề đơn giản nhưng có thể bảo vệ người dùng của mình. Họ nên được biết khi nào dữ liệu bị thu thập và chia sẻ trên các ứng dụng hoặc website khác để đưa ra lựa chọn hợp lý", Apple cho biết.
Các vấn đề trong quá khứ
Các cuộc tranh luận giữa Apple và Facebook đã kéo dài cả thập kỷ qua. Trong thời kỳ iPhone mới bắt đầu phổ biến, đã có một cuộc tranh luận lớn về việc Internet di động sẽ có tương lai thế nào, liệu nó có giống với Internet trên máy tính để bàn hay không. Bên cạnh đó, câu hỏi về thói quen sử dụng, các quy chuẩn mới, cách các công ty được trao quyền kiểm soát... cũng được hai bên "mổ xẻ" theo những quan điểm khác nhau.
Facebook là công ty được sinh ra trong thời đại Internet mở và phát triển dựa trên các nền tảng ứng dụng web phong phú, được viết theo tiêu chuẩn mới hiện đại hơn. Các ứng dụng nền web cũng tương thích với thiết bị di động, điều mà trước đó hiếm thấy.
Tuy nhiên, Facebook đã thua khi "Quả táo" chọn thúc đẩy mô hình ứng dụng cho thiết bị di động. Apple đã tạo nên App Store và đưa mọi thứ về đó để dễ dàng kiểm soát một cách hợp pháp. Trong khi Google chọn cả hai hình thức để phát triển: vừa cung cấp hệ điều hành Android và cửa hàng ứng dụng Play Store cho di động, vừa phát triển trình duyệt Chrome để tương thích với các nền tảng khác.
Facebook sau đó đã cố gắng thích ứng khi tạo ra smartphone cho riêng mình để để không phải nhường quá nhiều quyền kiểm soát cho Apple hoặc Google. Tuy vậy, họ không thành công.
Tham vọng của Facebook chưa bao giờ mất. Ngày nay, công ty đang đặt nền móng cho một nền tảng điện toán riêng để không phải chơi theo quy tắc của công ty khác. Đó là lý do vì sao công ty đang phát triển các sản phẩm riêng biệt, chẳng hạn kính thông minh hợp tác với Luxottica (nhà sản xuất kính Rayban) và ra mắt năm tới.
Dù Facebook cáo buộc Apple lạm dụng sức mạnh của mình để thao túng thị trường, chính mạng xã hội này lại đang bị FTC và một nhóm luật sư đại diện cho các bang của Mỹ khởi kiện. Các đơn kiện cũng cáo buộc Facebook độc quyền và yêu cầu các công ty thành viên tách riêng hoạt động độc lập.
Apple cũng đang phải đối mặt với giám sát tương tự, dù chưa bị chính phủ kiện. Hồi tháng 10, tiểu ban Tư pháp thuộc Hạ viện Mỹ đã đưa ra báo cáo điều tra về "sức mạnh độc quyền" của bốn công ty công nghệ lớn nhất (Facebook, Amazon, Alphabet, Apple). Báo cáo đã cáo buộc Apple sử dụng quyền kiểm soát App Store của mình để đánh bại các đối thủ tiềm năng.
Theo các chuyên gia, khó dự đoán Apple hay Facebook sẽ thắng. Apple tất nhiên sẽ không bỏ tính năng bảo mật đang triển khai cho người dùng, trong khi Facebook cũng không gỡ ứng dụng của mình trên App Store, trừ khi muốn mất hàng triệu người dùng.
Steve Satterfield, Giám đốc chính sách công và quyền riêng tư của Facebook, nói với CNBC tuần này rằng, công ty sẽ vẫn tuân thủ các quy tắc mới của Apple. "Mục tiêu của chúng tôi rất đơn giản", Satterfield nói. "Chúng tôi muốn Apple lắng nghe. Họ đã lên kế hoạch cho chính sách mới từ tháng 6 mà không có sự tham vấn nào, cũng như xem xét các tác động sâu rộng đến doanh nghiệp ảnh hưởng".
Như Phúc (theo CNBC)