"Qua những sự kiện diễn ra gần đây, chúng tôi quyết định dừng hoạt động của ứng dụng tại Hong Kong", phát ngôn viên TikTok trả lời CNN. Tuy nhiên, người này chưa tiết lộ cụ thể khi nào ứng dụng thuộc công ty ByteDance, có trụ sở ở Bắc Kinh, sẽ thực sự ngừng hoạt động cũng như động thái này sẽ ảnh hưởng như thế nào tới người dùng.
Tuyên bố của TikTok xuất hiện ngay sau khi các nền tảng Internet lớn của Mỹ như Facebook, Google... khẳng định từ chối xử lý các yêu cầu của chính quyền Hong Kong trong việc cung cấp dữ liệu người dùng cho tới khi có các đánh giá về mức độ và phạm vi ảnh hưởng của luật an ninh mới.
Tại Hong Kong, các công ty công nghệ không bị ảnh hưởng bởi Great Firewall như ở Trung Quốc đại lục - nơi cả Google, Twitter và Facebook đều bị chặn. Tuy nhiên, tài liệu dài 116 trang được chính quyền Hong Kong công bố đêm qua cho thấy sẽ có một kế hoạch kiểm duyệt Internet mới. Các công ty Internet và các nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến có thể được yêu cầu xóa dữ liệu, cung cấp hồ sơ nhận dạng và hỗ trợ giải mã về những người không tuân thủ luật an ninh.
TikTok hiện không có mặt ở Trung Quốc. Thay vào đó, ByteDance triển khai một phiên bản riêng, gọi là Douyin, ở quốc gia đông dân nhất thế giới. Họ khẳng định không tuân thủ bất kỳ yêu cầu nào của Trung Quốc về kiểm duyệt nội dung hoặc truy cập dữ liệu người dùng. Tuy nhiên, ứng dụng này lại liên tục bị tố là chương trình gián điệp của Trung Quốc.
Cuối tháng 6, Ấn Độ chặn TikTok và 58 ứng dụng khác với lý do "gây tổn hại tới chủ quyền, an ninh của Ấn Độ". Đầu tháng 7, nhóm hacker Anonymous kêu gọi người dùng toàn thế giới lập tức xóa ứng dụng vì đây là phần mềm độc hại được điều hành bởi chính phủ Trung Quốc với mục đích theo dõi, thu thập thông tin người dùng.
Minh Minh