Facebook thông báo dừng chia sẻ thông tin về người dùng trên mọi nền tảng, như Facebook, WhatsApp và Instagram, cho chính quyền Hong Kong trong khi chờ thêm các đánh giá đầy đủ về mức độ ảnh hưởng của luật an ninh mới. Google và Twitter cũng có động thái tương tự.
"Chúng tôi tin tự do ngôn luận là quyền cơ bản của con người", Facebook khẳng định. WhatsApp, thuộc sở hữu Facebook, cũng "cam kết cung cấp dịch vụ nhắn tin riêng tư và an toàn cho người dùng ở Hong Kong".
Trong khi đó, Google cho biết sẽ vẫn xử lý các yêu cầu liên quan đến việc gỡ bỏ nội dung không phù hợp trên dịch vụ của họ, còn Twitter và Facebook chưa trả lời.
Các mạng xã hội vẫn thường áp dụng biện pháp kiểm duyệt theo vị trí địa lý. Ví dụ, khi một nội dung không vi phạm chính sách chung của Facebook, nhưng lại được chính quyền một nước nào đó cho là nhạy cảm và sai trái, Facebook sẽ hạn chế hoặc chặn hiển thị ở nước đó. Tuy nhiên, mạng xã hội này không cấm thông tin trên tiếp tục được chia sẻ ở quốc gia và vùng lãnh thổ khác. Tại Hong Kong, Facebook đã hạn chế 394 nội dung như vậy trong nửa cuối 2019, tăng từ con số 8 trong nửa đầu năm.
Các công ty công nghệ từ lâu vẫn hoạt động tự do ở Hong Kong vì không bị ảnh hưởng bởi Great Firewall như ở Trung Quốc đại lục - nơi cả Google, Twitter và Facebook đều bị chặn. Trong khi đó, Apple cho biết họ không nhận các đề nghị xử lý nội dung trực tiếp từ chính phủ Hong Kong, mà thông qua Bộ Tư pháp Mỹ.
Luật an ninh Hong Kong bắt đầu có hiệu lực từ 1/7, trong đó yêu cầu chính quyền Hong Kong đảm bảo truyền thông và dịch vụ Internet tuân thủ các ưu tiên an ninh quốc gia.
Minh Minh (theo Reuters)