Theo thống kê của Wired, 98% khoản quyên góp chính trị từ nhân viên của các công ty Internet tại Thung lũng Silicon được chuyển đến chiến dịch của Biden. Trong đó, 95% khoản đóng góp đến từ 6 công ty công nghệ hàng đầu là Google, Apple, Amazon,Microsoft, Oracle và Facebook. Riêng nhân viên của Google đã quyên góp 1,8 triệu USD. Những con số trên cho thấy kỳ vọng của Thung lũng Silicon với Biden.
Trong suốt cuộc bầu cử, các công ty Internet cũng hành động cứng rắn để không phạm phải sai lần như cuộc bầu cử năm 2016. Khi Biden đắc cử, các CEO công nghệ nhanh chóng gửi lời chúc mừng. Chủ tịch Microsoft Brad Smith, COO Facebook Sheryl Sandberg, CEO Cisco Robbins và CEO Amazon Jeff Bezos đều khẳng định nước Mỹ chuẩn bị bước sang một giai đoạn mới, đa dạng và hội nhập hơn. Tỷ phú công nghệ Bill Gates cũng công khai nói muốn được hợp tác với chính phủ mới để cùng nhau ngăn chặn dịch bệnh.
Nhiều di sản của cựu tổng thống Mỹ Barack Obama đã bị Donald Trump phá bỏ nhưng Joe Biden có thể khôi phục lại. Khi còn là phó tướng của Obama, Biden đã trực tiếp tham gia vào quá trình hoạch định chính sách và đưa ra nhiều quyết định ảnh hưởng đến Thung lũng Silicon lúc bấy giờ. Do đó, Thung lũng Silicon đang kỳ vọng một nhiệm kỳ tổng thống mới thân thiện và bớt xáo trộn hơn.
Những chính sách nhất quán
Khác biệt đầu tiên giữa Biden và Trump là chính sách nhất quán, có thể dự đoán được. Nhà đầu tư Bradley Tusk nhận định, Biden sẽ là một tổng thống tương đối bình tĩnh và thậm chí hơi nhàm chán, không như Trump với các quyết sách mang đến sự lo lắng và hỗn loạn mỗi ngày. Ít nhất những hành vi thẳng tay đàn áp Amazon hay ép TikTok bán mình được dự đoán sẽ không xảy ra dưới thời chính quyền Biden.
Đại diện quỹ Đổi mới và Công nghệ thông tin (ITIF) nói: "Dựa trên quan điểm và tuyên bố nhất quán của Biden, các chính sách của ông ấy sẽ khác với Trump. Ông ấy sẽ tập trung vào việc thúc đẩy chính phủ hợp tác tích cực hơn với các ngành để thúc đẩy đổi mới".
Thuế quan
Về vấn đề thương mại, chính quyền Biden được cho là sẽ chủ động đàm phám để giải quyết những khác biệt, tránh áp lực cực đoan như chính quyền Trump, trong đó có việc áp đặt thuế quan theo ý muốn. Điều này mang lại nhiều lợi ích cho các công ty ở Thung lũng Silicon - những người luôn muốn một môi trường thương mại quốc tế hoà bình và ổn định.
Chính sách thương mại "gây thù chuốc oán" của Trump không chỉ hạn chế lợi ích của các công ty công nghệ mà còn khiến họ phải đối mặt mới nguy cơ bị trả đũa hoặc tẩy chay ở nước ngoài.
Tuy nhiên chính sách của Biden cũng không hoàn toàn có lợi cho Thung lũng Silicon. Dự luật cắt giảm thuế được chính quyền Trump thông qua vào cuối 2017 đã mang lại lợi ích thực sự cho các công ty công nghệ. Trong khi đó, chính quyền Biden tỏ ý muốn tăng thuế đối với các công ty lớn, thu chi cao.
Chính sách nhập cư
Theo các chuyên gia công nghệ, chính sách nhập cư sẽ là một trong những việc chính quyền Biden sẽ điều chỉnh khi lên nắm quyền. Vài năm qua, Trump đã liên tục đưa ra các biện pháp nhằm hạn chế thị thực lao động theo diện visa H-1B. Thung lũng Silicon từng dậy sóng với chính sách này vì nhiều kỹ sư tay nghề cao trên thế giới không thể đến Mỹ làm việc. Nhiều công ty công nghệ thậm chí đâm đơn kiện Trump vì siết chặt visa H-1B.
Khác với Trump, từ khi làm Phó tổng thống dưới thời Obama, Biden luôn muốn mở rộng quy mô của chương trình visa H-1B nhằm giữ lại càng nhiều tài năng công nghệ càng tốt. Sau khi nhậm chức, ông có thể sẽ bãi bỏ nhiều hạn chế mà chính quyền Trump đã áp đặt với các đơn xin thị thực H1-B và sinh viên quốc tế. Tuy nhiên, chương trình H-1B có được mở rộng hay không còn phụ thuộc vào Quốc hội và việc đảng Dân chủ có thể nắm quyền biểu quyết đa số tại Thượng viện hay không.
Đầu tư và kiểm duyệt
Chính quyền Trump và Biden cũng có những chính sách chung về công nghệ, trong đó có mở rộng đầu tư cơ sở hạ tầng. Cơ sở hạ tầng Internet của Mỹ được đánh giá là đang tụt hậu hơn so với Trung Quốc, Hàn Quốc và một số quốc gia khác, trong đó có việc triển khai 5G.
Chính quyền Biden cam kết đầu tư 20 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng Internet. Ông cũng dự định khôi phục tính trung lập, tự do và cởi mở - nguyên tắc cơ bản của Internet. Đây là di sản từ thời Obama nhưng bị Trump phá bỏ khi lên nắm quyền.
Một trong những vấn đề gây tranh cãi nhất là chính quyền Trump muốn xóa bỏ Điều 230 trong Đạo luật về Chuẩn mực truyền thông năm 1996. Trump chọn đối đầu với quyền lực của Big Tech trong khi Biden có thể sẽ tiếp cần mềm mỏng hơn. Tuy nhiên, về quyền riêng tư dữ liệu Internet, Biden cũng có thể đẩy mạnh giám sát và kiểm soát chặt chẽ.
Chống độc quyền
Chi tiết chưa rõ ràng trong chính sách về công nghệ của bộ máy Biden là vấn đề chống độc quyền. Trong quá trình tranh cử, Biden không nói rõ thái độ của mình về vấn đề này. Bộ Tư pháp của chính quyền Trump đã đệ đơn kiện chống độc quyền với Google và chuẩn bị kiện Amazon, Facebook. Sau khi Biden lên nắm quyền, các vụ kiện này có thể tiếp tục tiến triển chứ không bị huỷ hoàn toàn.
Cựu ủy viên của Ủy ban Truyền thông Liên bang Robert McDowell tin rằng Biden có thể không thay đổi thái độ chống độc quyền đối với các gã khổng lồ công nghệ. Đảng Dân chủ cũng chủ trương hạn chế hoặc thậm chí chia rẽ các công ty công nghệ có sức ảnh hưởng lớn.
Khương Nha (theo Sina)