Đoàn Kim Chi, một nhân viên ngân hàng tại Hà Nội, là người trung thành với iPhone trong nhiều năm. Gần đây, cô được chồng tặng chiếc iPhone XS Max - model đắt nhất của Apple, có giá hơn 1.100 USD.
Dù rất hài lòng với chiếc smartphone mới, Chi cho biết cô vẫn nhận thấy điện thoại Trung Quốc ngày càng phổ biến xung quanh mình. "Bạn có thể thấy quảng cáo Oppo từ khắp mọi nơi ở Hà Nội", chị Chi cho biết. "Họ còn thuê cả người nổi tiếng để quảng cáo trên TV ở khung giờ vàng. Bạn sẽ luôn thấy quảng cáo Oppo khi có một sự kiện lớn nào đó trên truyền hình".
Thực tế, không chỉ Oppo, những hãng điện thoại Trung Quốc khác như Vivo hay Xiaomi cũng tích cực quảng bá nhằm chiếm lĩnh các thị trường mới nổi tại Đông Nam Á. Theo số liệu từ Canalys, trong số 30,7 triệu smartphone xuất xưởng trong quý II/2019, có 19 triệu sản phẩm thuộc về các thương hiệu Trung Quốc, chiếm 62% thị phần, tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái.
Khác với Apple vốn chỉ tập trung vào hàng cao cấp, các nhà sản xuất smartphone Trung Quốc nhắm đến người dùng bình dân. Dữ liệu từ Canalys cho thấy, 75% lô hàng điện thoại đến từ Trung Quốc vào Đông Nam Á có giá dưới 200 USD.
"Các thương hiệu Trung Quốc nhắm đến Đông Nam Á nhiều hơn bởi cơ hội thành công ở đây cao hơn ở những khu vực khác trên thế giới. Tại đây, họ tập trung vào hàng giá rẻ và tầm trung, phân khúc có mức độ trung thành với thương hiệu rất thấp, nhưng lại mang đến doanh số cao", chuyên gia Matthew Xie của Canalys nhận xét.
Tại Đông Nam Á, Oppo đã công bố mức tăng trưởng lớn nhất từ trước đến nay với 49% trong quý II/2019. Realme, một thương hiệu con của Oppo tập trung chủ yếu tại Ấn Độ, nhưng cũng đứng top 5 khu vực với doanh số 1,6 triệu máy, tương đương 5,2%.
"Các thương hiệu Trung Quốc không chỉ cung cấp sản phẩm cạnh tranh về giá bán mà còn mang các tính năng sáng tạo cho thị trường. Điều này bao gồm nhiều phương thức, như sạc mới hay nâng cấp camera, những thứ mà người tiêu dùng thấy rất hấp dẫn", Kiranjeet Kaur, Giám đốc nghiên cứu cấp cao của IDC tại Singapore, đánh giá.
Sự phổ biến của thương hiệu điện thoại Trung Quốc trong khu vực Đông Nam Á xuất hiện vào thời điểm Huawei Technologies, nhà cung cấp smartphone lớn nhất Trung Quốc và lớn thứ hai thế giới sau Samsung, bị Mỹ đưa vào danh sách đen giữa cuộc chiến thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc. Với việc bị Google tuyên bố ngưng hợp tác Android và các dịch vụ liên quan vào giữa tháng 5 (nhưng sau đó gia hạn), hay Facebook không cho phép cài đặt sẵn ứng dụng như Facebook, WhatsApp và Instagram trên điện thoại của Huawei khiến người dùng tại Đông Nam Á "chùn chân".
Theo một số chuyên gia, người dùng smartphone, trừ Trung Quốc, chủ yếu sử dụng dịch vụ Google (như Gmail, YouTube, Play Store...) cũng như các ứng dụng có nguồn gốc từ Mỹ khác. Nếu thiết bị của Huawei không có những thứ đó, họ sẵn sàng chuyển qua sản phẩm khác nhằm đáp ứng nhu cầu của mình.
Hiện tại, Samsung, Oppo, Vivo và Xiaomi đang thống trị doanh số smartphone tại các thị trường lớn tại Đông Nam Á. Riêng Thái Lan, Việt Nam, Philippines và Indonesia, những thương hiệu trên luôn ở vị trí dẫn đầu. Trong khi đó, Apple đã rơi khỏi top 5. Lý giải cho điều này, một chuyên gia chỉ ra rằng, giá bán quá cao khiến iPhone ít được tiếp cận rộng rãi.
Bảo Lâm (theo SCMP)