Trong số những người tham gia cuộc săn này có một người hâm mộ cuồng nhiệt ở độ tuổi 40, ông chơi trò này mỗi ngày kể từ khi nó ra mắt.
"Ban đầu nó chỉ là hành trình đi thu thập Pokemon, nhưng sau một thời gian ngày càng nhiều cách chơi được thêm vào, chẳng hạn các loại trận đấu khác nhau giữa các Pokemon", người đàn ông sống ở ngoại ô Tokyo nói. Ông đã bắt được hơn 200.000 quái vật được đặt tên.
"Nó vẫn là cùng một trò chơi mỗi ngày, nhưng tôi không cảm thấy chán", ông nói.
Ngày 22/7 đánh dấu kỷ niệm 5 năm trò chơi Pokemon Go ra mắt tại Nhật Bản, nơi vẫn có hơn 3 triệu người chơi thường xuyên. Đây được xem là minh chứng cho sức mạnh duy trì hiếm thấy trong thế giới game di động.
Là một trò chơi thực tế tăng cường AR, Pokemon Go phủ các yếu tố ảo lên thế giới thực, khi người chơi đến thăm các công viên và địa danh để thu thập Pokemon và vật phẩm. Mặc dù cảnh đám đông tụ tập để bắt những sinh vật quý hiếm không còn phổ biến, điều đó không có nghĩa trò chơi này đã mất đi sức hấp dẫn của nó.
Trò chơi được phát triển bởi công ty Niantic có trụ sở tại San Francisco phối hợp với Nintendo.
Theo công ty phân tích dữ liệu Values có trụ sở tại Tokyo, tính đến tháng 6 năm nay, Pokemon Go đã có 3,6 triệu người chơi ở Nhật Bản. Con số này thấp hơn rất nhiều so với 11 triệu người chơi ngay sau khi ra mắt, nhưng vẫn đủ để biến Pokemon Go thành game di động được chơi nhiều thứ hai tại nước này. Hầu hết các trò chơi mất 70 đến 80% lượng người chơi ban đầu trong tuần đầu tiên.
Hirokazu Hamamura, cựu tổng biên tập tạp chí game Famitsu, cho biết Pokemon Go "đã tận dụng những đặc điểm độc đáo của các nhân vật nổi tiếng và cung cấp nhiều cách chơi hơn, tạo ra một danh mục trò chơi dựa trên địa điểm mới".
Bằng cách bổ sung hơn 800 quái vật xuất hiện trong series Pokemon của Nintendo, Pokemon Go giúp người chơi có động lực hoàn thành bộ sưu tập của mình trong thời gian dài. Và bởi Pokemon Go hoàn toàn có thể hoàn thành các màn chơi mà không nhất thiết phải trả phí nâng cấp, nó có thể tiếp cận với nhiều người hâm mộ.
Tuy nhiên, khá nhiều người chơi chi tiền cho nó. Theo Sensor Tower, tính đến tháng 6, Pokemon Go đã thu về 1,4 tỷ USD từ người dùng toàn cầu trong năm 2021, nhiều hơn 300 triệu USD so với năm đầu tiên ra mắt và cao hơn doanh thu hàng năm của nhà phát triển game hàng đầu Nhật Bản Capcom. Tổng doanh thu 5 năm qua của Pokemon Go đạt 5 tỷ USD.
Trong khi đó, trò chơi cũng tăng cường mở rộng quan hệ đối tác. Ngay từ đầu, Niantic đã ký các hợp đồng tài trợ với các nhà bán lẻ và chuỗi nhà hàng nhằm thu hút người chơi Pokemon Go. Tháng 3 vừa qua, Niantic cũng công bố hợp đồng với Sumitomo Life cung cấp các vật phẩm trong trò chơi cho các thành viên mua bảo hiểm Vitality của công ty nhằm đáp ứng các mục tiêu hoạt động thể chất nhất định.
Người đứng đầu bộ phận chiến lược của Sumitomo Life cho biết: "Tập thể dục có thể trở nên đơn điệu, nhưng bằng cách thêm vào các yếu tố trò chơi, chúng tôi hy vọng sẽ giúp các thành viên cải thiện sức khỏe của họ".
Kaori Saito, đại diện của chi nhánh Niantic Nhật Bản nhấn mạnh sự đa dạng trong cách thưởng thức trò chơi này. "Có những người chơi hàng tiếng đồng hồ một ngày, nhưng cũng có những người kết hợp nó với những chuyến đi bộ", Saito nói.
Mối liên hệ chặt chẽ với cuộc sống hàng ngày đồng nghĩa với việc trò chơi phải phát triển khi lối sống thay đổi. Trong thời kỳ đại dịch, Pokemon Go đã điều chỉnh bằng cách giúp bạn tận hưởng các trận chiến quái vật ở nhà dễ dàng hơn.
Đăng Thiên (theo Nikkei Asia)