Phím Home trên iPhone được coi là vùng "bất khả xâm phạm". Người dùng chỉ có thể thay thế, sửa chữa ở các trung tâm của Apple để không gây ảnh hưởng đến hoạt động của cảm biến vân tay Touch ID. Với iPhone 7, Apple còn quyết liệt hơn khi khóa phần mềm nếu bộ phận này bị thay thế bằng linh kiện hỏng hoặc không phải nút Home của đúng máy đó.
Cụ thể, máy sẽ hiện thông báo khi phím Home bị can thiệp và người dùng thậm chí không sử dụng được tính năng trở về màn hình chính trên iPhone 7. Với việc khóa bằng phần mềm, điện thoại của bạn có thể trở thành "cục gạch" nếu can thiệp, sửa chữa tại các cửa hàng không do Apple ủy quyền.
Thử nghiệm hoán đổi phím Home trên hai chiếc iPhone 7.
Michael Oberdick, chủ một cửa hàng sửa chữa điện thoại, cho rằng Apple đang làm khó các trung tâm sửa chữa không được hãng cấp phép. Trong khi iPhone 5s, 6 và 6s có thể thay phím Home mà chỉ làm mất tính năng cảm biến vân tay Touch ID, thì với iPhone 7 máy gần như không dùng được, buộc bạn phải đến trung tâm của Apple.
Trước tháng 2/2016, người dùng sửa phím Home tại các trung tâm không thuộc Apple đã bị hãng khóa máy thành "cục gạch" và hiện thông báo "Error 53". Sau đó không lâu, công ty công nghệ Mỹ đã ra bản iOS 9.2.1 khắc phục lỗi trên, đồng thời tránh rơi vào rắc rối pháp lý.
Đầu tháng 3/2017, Cơ quan bảo vệ người tiêu dùng Australia đã bắt đầu tố tụng chống lại Apple khi cho rằng hãng vi phạm quyền lợi của khách hàng. Việc Apple khóa máy khi sửa phím Home ở bên thứ ba có thể bị coi là bất hợp pháp khi vô hiệu hóa thiết bị của người dùng, bắt họ chọn cách sửa chữa tốn kém của hãng.
Người tiêu dùng đang kêu gọi Apple và nhiều công ty công nghệ khác cho phép các cửa hàng thứ ba và khách hàng quyền can thiệp vào các sản phẩm của họ. Luật về quyền được sửa chữa là vấn đề đang gây tranh cãi, trong đó người ủng hộ cho rằng việc cho phép sửa ở bên thứ ba có thể giúp tiết kiệm chi phí và giảm lượng chất thải điện tử. Trong khi đó bên phản đối lo lắng về vấn đề sửa chữa không đạt tiêu chuẩn, tự sửa ở nhà gây nguy hiểm.