Cơ quan bảo vệ người tiêu dùng Australia đã bắt đầu tố tụng chống lại Apple khi cho rằng công ty công nghệ Mỹ vi phạm quyền lợi khách hàng. Cụ thể, người dùng sửa iPhone liên quan đến phím Home tại các trung tâm không thuộc Apple đã bị hãng khóa máy thành "cục gạch" và hiện thông báo "Error 53".
Tháng 2/2016, Apple cho rằng vấn đề mà khách hàng gặp phải là "kết quả của cuộc kiểm tra an ninh mà hãng thiết kế nhằm bảo vệ người dùng", là cơ chế nhằm ngăn ngừa cảm biến vân tay Touch ID bị xâm phạm. Sau đó không lâu hãng đã tung iOS 9.2.1 nhằm khắc phục lỗi trên, đồng thời tránh rơi vào rắc rối pháp lý.
Chuyên gia cho rằng hành động của Apple có thể bị coi là bất hợp pháp khi vô hiệu hóa thiết bị của người dùng, trừ khi họ chọn cách sửa chữa tốn kém của hãng. Luật Tiêu dùng Australia đảm bảo người dùng có quyền sửa chữa hoặc hoàn trả nếu sản phẩm không phù hợp, ngay cả khi bảo hành của hãng bị hạn chế hoặc hết hạn.
"Từ chối quyền lợi của người tiêu dùng khi họ sửa chữa sản phẩm ở bên thứ ba không chỉ ảnh hưởng đến khách hàng mà còn là hành động ngăn cản họ chọn những nơi có chi phí sửa chữa hợp lý hơn hãng", Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh và Tiêu dùng Australia (ACCC) Rod Sims cho biết.
ACCC đã kiện Apple tại Tòa án Liên bang Australia và đang đề nghị hình phạt tiền, lệnh cấm và buộc Apple phải khai báo, tuân thủ và công khai chi phí sửa chữa. Tuy nhiên vụ tố tụng pháp lý này có thể phải kéo dài vài tháng.