Trên Musicmagpie - trang web trao đổi điện thoại thông minh lớn nhất Anh, một chiếc P30 Pro với tình trạng đang sử dụng tốt có thể được mua lại với giá tối đa là 130 USD - mất tới 90% giá trị so với khi mua mới. Trong khi đó, một chiếc Galaxy S10+ ở tình trạng tương tự có thể được bán với giá là 650 USD dù lúc mua mới rẻ hơn một chút so với P30 Pro.
"Nhiều tùy chọn màu sắc tuyệt vời, thời lượng pin lâu và khả năng chụp ảnh hàng đầu thế giới, P30 Pro là lựa chọn điện thoại cao cấp tốt nhất có thể mua đầu 2019", chuyên gia của Pocket-lint từng nhận xét về smartphone của Huawei khi máy mới bán ra vào đầu tháng 4. Nhưng chỉ hơn một tháng sau, mọi thứ biến đổi nhanh khó lường với những người sở hữu model có camera zoom tới 50x này.
Cũng tại trang trao đổi trên, các smartphone khác của Huawei gặp tình trạng tương tự. Vài tháng trước, P20 Pro - smartphone cao cấp nhất của Huawei năm 2018 - vẫn được thu mua với giá gần 400 USD. Nhưng hiện tại, con số này chỉ còn là 64 USD, bằng một phần năm so với chiếc Galaxy S9.
"Họ nên nói thẳng rằng không muốn mua lại smartphone Huawei hơn là đưa ra những con số thấp đến như vậy", một người dùng tại Anh bức xúc trên Twitter.
Theo Forbes, việc các nhà bán lẻ, cửa hàng điện thoại từ chối mua lại hoặc đặt giá mua rất thấp với điện thoại Huawei đang diễn ra phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới. Tại Singapore, nhiều nơi đã ngừng kinh doanh hoàn toàn với thương hiệu điện thoại đến từ Trung Quốc. Những cửa hàng vẫn chấp nhận thu mua lại thì cũng với mức giá rất rẻ mạt. "Một đại lý bán lẻ đã nói với 4 đến 5 khách hàng có nhu cầu rằng họ chỉ mua lại với giá tối đa 100 USD với P30 Pro", theo Straits Times.
"Trước đây, mỗi ngày có khoảng năm người trao đổi điện thoại Huawei tại cửa hàng nhưng con số này đã tăng lên 20 người trong hai ngày qua", một nhân viên kinh doanh ở Mobile Square (Singapore), nói. Anh này cũng cho biết trước đây khách chỉ đổi máy cũ lấy máy mới còn bây giờ họ bán cả những model mới nhất.
Mặc dù thiết bị cầm tay của Huawei và Honor vẫn nhận được các bản update bảo mật và được hưởng các chính sách hậu mãi trên toàn cầu. Ngoài ra, Huawei cũng đang tích cực xây dựng hệ sinh thái phần mềm an toàn và đảm bảo cho người tiêu dùng nhưng dường như người dùng điện thoại của hãng vẫn chưa yên tâm.
Sau khi Google tuyên bố cắt đứt quan hệ với Huawei, hãng smartphone Trung Quốc còn gặp nhiều rắc rối khác khi những tên tuổi lớn như Intel, Qualcomm, Xilinx, ARM hay cả những tổ chức liên quan đến thẻ nhớ SD, Wi-Fi đều tuyên bố hạn chế quan hệ hoặc "nghỉ chơi". Trong khi đó, các nhà bán lẻ cũng cùng mối lo ngại và cho rằng bán điện thoại Huawei hiện tại như "một canh bạc".