Trước đây, mỗi ngày có khoảng năm người trao đổi điện thoại Huawei tại cửa hàng nhưng con số này đã tăng lên 20 người trong hai ngày qua, một nhân viên kinh doanh ở Mobile Square (Singapore), cho biết. "Thông thường, mọi người sẽ đổi điện thoại cũ lấy mới còn bây giờ họ bán cả những model mới nhất", anh nói. Tuy nhiên, lần này, cửa hàng của anh từ chối mua lại điện thoại của Huawei.
"Nếu chúng tôi mua phải thứ gì đó vô dụng thì làm sao bán lại được?", Dylan On, nhân viên bán hàng tại Wanying, một trung tâm bán lẻ và sửa chữa ở Singapore, nói. "Điện thoại của Huawei rất tốt, vấn đề hiện nay là chính sách của Mỹ", anh cho biết.
Carousell, dịch vụ mua bán trực tuyến phổ biến nhất ở Singapore, ghi nhận số lượng bài rao bán điện thoại Huawei tăng vọt. Thương hiệu điện thoại Trung Quốc này chiếm 14% thị phần ở Singapore, theo số liệu 2018 của công ty nghiên cứu thị trường Canalys.
Một số cửa hàng ở Singapore và Philippines đã ngừng mua lại smartphone Huawei. Ảnh: Reuters |
Các nhà bán lẻ di động ở Philippines cũng không còn mặn mà với điện thoại Huawei. "Chúng tôi không còn chấp nhận giao dịch smartphone thương hiệu này vì khách hàng sẽ không mua nữa", Hamida Norhamida, nhân viên một cửa hàng điện thoại ở Manila nói. "Thật nhẹ nhõm khi tôi đã bán hết những chiếc P30 Pro trước khi Google thông báo hạn chế kinh doanh với Huawei".
Một nhân viên bán hàng khác trong trung tâm mua sắm Greenhills ở thủ đô của Philippines cho biết sẽ chỉ mua điện thoại Huawei với giá giảm 50%. "Kinh doanh sản phẩm này sẽ là một canh bạc", người này nói.
Tại Việt Nam, nhiều người cũng muốn thanh lý điện thoại Huawei do lo ngại thiết bị của hãng sẽ không được cập nhật phần mềm Android, mất nhiều tính năng quan trọng. Chỉ một ngày sau thông báo của Google, trong mục sản phẩm Huawei của một hệ thống siêu thị điện thoại lớn ở Việt Nam đã xuất hiện cả trăm câu hỏi về tình trạng của những chiếc smartphone mang thương hiệu Trung Quốc.
"Điện thoại thông minh mà không còn kho ứng dụng, không cài được thêm phần mềm thì thành cục gạch mất", người dùng có tên Trâm Trần bình luận. "Không có YouTube, Chrome hay Gmail thì còn gọi gì là smartphone nữa", một người khác than thở.
Nhiều người cũng đề nghị bán lại hoặc đổi trả smartphone Huawei. "Mình mới mua P30 Pro nhưng nghe nói hãng ngừng hỗ trợ dịch vụ của Google, liệu cửa hàng có cho đổi qua máy khác không?", người dùng tên Đức hỏi.
Một hệ thống phân phối điện thoại với hàng chục cửa hàng ở Hà Nội và TP HCM cho biết với điện thoại Huawei, họ phải tư vấn cụ thể cho khách về vấn đề đang xảy ra và có chính sách hoàn tiền trong 30 ngày cho những ai mua rồi mà không muốn sử dụng nữa. Các điểm bán khác dựa trên thông báo của Google và Huawei, cũng giải thích cho khách hàng rằng các mẫu điện thoại Huawei vẫn có thể dùng bình thường, đầy đủ các tính năng. "Việc nhập thêm smartphone của Huawei thì còn tùy thuộc vào diễn biến tiếp theo của thị trường", chủ cửa hàng này cho biết.
Ngược lại, một số người coi đây là cơ hội để mua một chiếc điện thoại tốt với giá rẻ. "Lúc đầu, tôi rất lo lắng vì sợ rằng chiếc Huawei của tôi sẽ trở thành 'cục gạch' vô giá trị", Xin Yi, sinh viên 24 tuổi đến từ Singapore nói. "Nhưng Google cho biết người dùng Huawei hiện nay sẽ không bị ảnh hưởng, thật nhẹ nhõm". Cô nói thêm rằng đang "ngắm" một chiếc Huawei được giảm giá.
Ngày 20/5, Google ngừng cấp phép sử dụng Android với Huawei, theo sắc lệnh mà Tổng thống Trump ký ngày 15/5, trong đó Huawei bị coi là rủi ro an ninh với Mỹ. Sau đó, hàng loạt công ty thông báo ngừng kinh doanh với Huawei như Intel, Qualcomm, Xilinx, Broadcom... Ngày 21/5, Mỹ nới lỏng một số hạn chế và Google khẳng định tiếp tục hợp tác với Huawei tới ngày 19/8.
Theo IDC, Huawei là nhà sản xuất smartphone lớn thứ hai thế giới với 19% thị phần, chỉ sau Samsung, trong quý I/2019. Thị trường lớn nhất của Huawei là Trung Quốc, sau đó tới châu Âu. Tại Trung Quốc, Huawei là hãng smartphone lớn duy nhất duy trì đà đi lên, trong khi Vivo, Oppo, Xiaomi và Apple đều tăng trưởng âm.
Bảo Anh (theo Reuters)