Tối 8/11, Sam Bankman-Fried (SBF) thông báo về một thỏa thuận chiến lược với Binance. Ít phút sau, Changpeng Zhao (CZ), CEO Binance, xác nhận động thái này là để "bảo vệ người dùng". Khi đó, FTX đang là sàn giao dịch tiền số lớn thứ ba thế giới, còn tài sản của SBF ước tính 16 tỷ USD theo bảng xếp hạng của Bloomberg.
Sau thông tin Binance mua FTX, giá token này giảm từ 22 USD xuống còn 2,4 USD. Việc bán tháo thổi bay hơn hai tỷ USD vốn hóa thị trường của FTT. Từ vị trí thứ 25 với 2,57 tỷ USD sáng 8/11, dự án tụt xuống vị trí 55 khi chỉ còn hơn 700 triệu USD vốn hóa vào hôm sau. FTX cần một khoản tiền mặt lớn để cân đối tài chính và đảm bảo thanh khoản cho người dùng.
Ngày 9/11, WSJ dẫn nguồn tin riêng cho biết SBF đã thông báo cho các nhà đầu tư rằng nếu không được rót tiền, công ty phải nộp đơn phá sản. Sàn FTX đối mặt khoản thiếu hụt tới 8 tỷ USD. CEO sinh năm 1992 tìm cách huy động nguồn tài chính để giải cứu sàn dưới dạng vay nợ, vốn chủ sở hữu hoặc kết hợp cả hai.
Việc Bankman-Fried thừa nhận lỗ hổng tài chính của công ty đã phơi bày tương lai bất ổn của FTX. Đây được xem là bước ngoặt quan trọng trong chuỗi sự kiện khủng hoảng của sàn. Khi đó, nhiều tin đồn về việc Binance sẽ rút khỏi thương vụ bắt đầu lan truyền trong cộng đồng.
Cùng ngày, theo Bloomberg, FTX và Sam Bankman-Fried rơi vào tầm ngắm của cơ quan chức năng Mỹ. Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Mỹ (SEC) và Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai Mỹ (CFTC) đang điều tra xem công ty có sử dụng đúng các khoản tiền gửi của khách hàng. Ngoài ra, FTX cũng bị điều tra về mối quan hệ với những công ty có liên quan đến Sam Bankman-Fried.
Sáng 10/11, Binance ra thông báo chính thức: "Chúng tôi từng mong có thể hỗ trợ khách hàng FTX thanh khoản, nhưng vấn đề ngoài tầm kiểm soát hoặc khả năng giúp đỡ của chúng tôi. Sau khi thẩm định tài chính và xem xét các tin tức cùng các cáo buộc từ SEC, chúng tôi không thể tiếp tục theo đuổi thương vụ mua lại FTX".
"Một ngày buồn. Chúng tôi đã cố gắng, nhưng...", CZ viết trên Twitter sau đó. Dòng tweet lúc sáng sớm cùng biểu tượng mặt khóc của CZ đã thổi bay những nỗ lực cuối cùng của SBF trong việc cứu lấy "đế chế" của mình.
Trong chưa đầy 48 giờ, tài sản của CEO 9x từ 16 tỷ USD giảm 94% xuống dưới một tỷ USD - mức sụp đổ lớn nhất từng được ghi nhận. Giá token FTT của FTX giảm từ 22 USD xuống 2,5 USD tính đến chiều 10/11.
Bankman-Fried và các giám đốc điều hành của FTX bị cuốn vào một lỗ đen tài chính khi khoản nợ của sàn được ước tính là 6 tỷ USD. Ngay khi tin tức sàn đứng trước nguy cơ phá sản và bị điều tra, người dùng trên khắp Twitter thông báo họ không thể truy cập FTX. Từ khóa về website của FTX thậm chí vào top thịnh hành trên Google Trends do người dùng không vào được nền tảng.
Theo Coin Desk, trong nhóm Telegraph chính thức của FTX, quản trị viên xác nhận việc rút tiền từ sàn đang bị hoãn và chưa biết khi nào sẽ mở lại. Ít giờ sau, trang web của FTX hoạt động trở lại nhưng kèm theo thông báo đỏ: "FTX hiện không thể xử lý việc rút tiền. Chúng tôi đặc biệt khuyên bạn không nên ký gửi".
Cú lao dốc của FTX đang được so sánh với Terra. Tương lai của Bankman-Fried cũng được ví với Do Kwon - CEO cùng năm sinh đang trốn chạy sự truy nã của cơ quan chức năng. Sự bất ổn của sàn khiến cả thị trường tiền mã hóa giảm giá. Chiều 10/11, giá Bitcoin giảm còn 16,8 nghìn USD, Solana giảm 21% xuống còn 15,7 USD. Hàng loạt token khác liên quan đến SBF như TRX, BTT, JST, SUN cũng đồng loạt sụt mạnh.
Trong 48 giờ đen tối của Bankman-Fried không thể không nhắc đến CZ, người được xem là có liên quan trực tiếp đến cái kết buồn này. Trong khi SBF đối mặt vòng xoáy nợ nần, CZ vẫn là người giàu nhất trong giới tiền số với tài sản 16,4 tỷ USD.
Trước đó, ngày 4/11, CoinDesk dẫn các báo cáo cho thấy tình hình tài chính của FTX và SBF đang có nhiều lỗ hổng nghiêm trọng. Ngày 7/11, CZ tuyên bố bán toàn bộ token FTT để quản lý rủi ro sau những bài học kinh nghiệm rút ra từ cú sập Luna. Động thái trên lập tức gây chấn động toàn thị trường tiền mã hóa và mở đầu cho 48 giờ hỗn loạn tiếp theo của Sam Bankman-Fried.
Sam Bankman-Fried, sinh năm 1992, vốn được xem là thần đồng của thị trường tiền mã hóa. Tên tuổi của ông gắn với các dự án đình đám như BlockFi, Voyager Digital và Celsius. Năm 2019, ông thành lập FTX và tích cực vận động hành lang nhằm xây dựng một sàn giao dịch tiền mã hóa được pháp luật bảo hộ. Năm ngoái, khi FTX trên đỉnh cao, Bankman-Fried từng tuyên bố muốn thâu tóm cả CME Group và ngân hàng Goldman Sachs.
Khương Nha