Elon Musk, một người hoạt động tích cực trên Twitter, đã đề nghị mức giá 44 tỷ USD để mua mạng xã hội. Vào tháng 4, ông tuyên bố công ty có thể hoạt động tốt hơn nhiều nếu mình nắm quyền. Trước đó, ông công khai chê bai các giám đốc của Twitter, chế nhạo chính sách nội dung, phàn nàn về sản phẩm và khiến hơn 7.000 nhân viên bối rối với những tuyên bố của ông.
Sau hơn hai tháng tuyên bố mua Twitter, Musk tìm cách rút lui khỏi thương vụ với các lý do được đánh giá là nhỏ nhặt, để lại một mạng xã hội rối ren hơn nhiều so với trước khi công bố vụ mua bán.
"Với mỗi dòng tweet không nên có, Musk đã làm xói mòn niềm tin của mọi người với mạng xã hội, tinh thần nhân viên đi xuống, khiến các nhà quảng cáo tiềm năng hoảng sợ, phơi bày khó khăn tài chính và lan truyền thông tin sai lệch về cách thức hoạt động của Twitter", New York Times bình luận.
Các chuyên gia cũng đưa ra nhận định tương tự. "Sự can thiệp của Musk vào Twitter đã ảnh hưởng lớn đến công ty", Jason Goldman, thuộc nhóm sáng lập Twitter và từng là thành viên ban giám đốc, nói.
Theo giới quan sát, tình hình bấp bênh hiện tại đã buộc Twitter phải kiện Musk để hoàn tất thương vụ. Cuộc chiến tại tòa án có thể sẽ kéo dài với chi phí vô cùng lớn, nhiều tháng tranh tụng tốn kém. Các chuyên gia nhận định khả năng lớn Musk sẽ thua, nhưng Twitter cũng sẽ không còn được như trước.
Thực tế, những thiệt hại mà Musk gây ra khá rõ ràng. Tính đến 11/7, cổ phiếu của Twitter giảm hơn 11% xuống còn chưa tới 33 USD - mức thấp nhất kể từ năm 2020, mất 1/3 giá trị tính từ ngày Musk đưa đề nghị mua (25/4) với 54,2 USD - trong bối cảnh các nhà đầu tư bi quan về cuộc chiến pháp lý sắp tới.
Twitter từ chối bình luận và cũng yêu cầu nhân viên hạn chế đưa các thông tin lên mạng xã hội. Tuy nhiên, trong thư gửi cho các luật sư của Musk cuối ngày 10/7, luật sư của Twitter nói động thái chấm dứt hợp đồng của tỷ phú Mỹ "không hợp lệ và sai trái" và cho rằng sự từ chối là "cố ý", "vi phạm nghiêm trọng" thỏa thuận.
Trên Twitter, Musk đã trích dẫn việc nền tảng có quá nhiều tài khoản giả mạo và đây là lý do từ chối mua. Bên cạnh đó, ông cũng đăng một meme hàm ý mỉa mai việc Twitter dọa kiện mình.
'Sự rối ren' Musk để lại
Sau hơn hai tháng mua và rút lui, Musk đã phơi bày việc kinh doanh đang trên đà suy yếu của Twitter. Trên thực tế, mạng xã hội đã hoạt động thua lỗ 7 trong 9 năm trở thành công ty đại chúng, còn CEO Parag Agrawal từng cho biết trong một thông báo với nhân viên vào tháng 5 rằng, công ty đã không đạt được các mục tiêu kinh doanh và tài chính của mình.
Nhưng những năm qua, công ty vẫn vận hành trơn tru và không cần đến một lời đề nghị mua bán nào. Dù vậy, đó cũng chính là lý do khiến Twitter dễ dàng chấp nhận thỏa thuận với Musk. Mạng xã hội cũng thừa nhận mức 54,2 USD/cổ phiếu là mức tốt nhất được phía mua đưa ra. Việc "hủy kèo" sau đó khiến mọi thứ sụp đổ.
Ban lãnh đạo Twitter giờ đây ngày càng mất đi sự tin tưởng khi thỏa thuận bị hủy bỏ. "Trong tương lai dài hạn, nhân viên, đối tác và cổ đông sẽ không còn tin vào chiến lược của lãnh đạo Twitter, bất kể kết quả thương vụ với Elon như thế nào", Goldman nói.
Angelo Carusone, Chủ tịch Media Matters, cũng nhận định: "Twitter sẽ gặp khó khăn trong việc trấn an các nhà quảng cáo và người dùng rằng họ vẫn ổn định".
Một số chuyên gia khác cho rằng, những lời nhận xét của Musk về thông tin sai lệch và tài khoản giả mạo "có phần ngớ ngẩn". Tuy nhiên, khi mạng xã hội cố gắng chứng minh chúng bằng các số liệu, như công khai 5% tài khoản là bot và spam, lòng tin của người dùng với nền tảng cũng phần nào suy yếu.
Nội bộ Twitter giờ đây cũng bất ổn. Theo 6 nhân viên đang làm việc cho Twitter tiết lộ với New York Times, tinh thần của mọi người đã bị suy giảm, thậm chí dẫn đến đấu đá nội bộ. Nhưng đa phần người ở lại thừa nhận họ cảm thấy nhẹ nhõm vì dường như Musk đã quyết định không sở hữu công ty nữa.
Evan Williams, một trong những người sáng lập Twitter, nói ông "mong muốn chấm dứt những trò hề" của Musk. "Nếu vẫn ở trong hội đồng quản trị, tôi sẽ hỏi liệu chúng ta có thể để cho toàn bộ những tình tiết xấu xí này bị phơi bày hay không", Williams nhận xét sau khi Twitter nêu ý định kiện Musk và buộc tiếp tục thương vụ.
Manu Cornet, một nhân viên của Twitter, thể hiện tâm trạng của mình bằng một bức tranh biếm họa, trong đó Musk đã làm rơi logo Twitter khỏi kệ, còn một người khác nói rằng: "Anh đã làm vỡ nó, anh phải mua nó!".
Trong khi đó, theo biên tập viên Matt Levine của Bloomberg, việc Musk mua rồi "quay xe" chẳng khác nào một trò đùa quá trớn. "Musk giàu có và có thể có những sở thích không bình thường. Nhưng việc giả vờ rằng mình mua một công ty đại chúng rồi hủy bỏ và xem nó là một niềm vui, điều đó không vui chút nào", Levine nhận xét.
Cũng theo Levine, Musk dường như rất thích thú trong việc tạo "drama" trên Twitter và vờ mua mạng xã hội này là cách gây chú ý không thể tốt hơn. Thực tế, trong khoảng hơn hai tháng, tài khoản của ông nhận gần 40 triệu lượt theo dõi mới, từ khoảng 60 triệu lên 100 triệu lượt. "Thông thường, nếu một CEO tỷ phú tuyên bố mua một doanh nghiệp, tỷ lệ mà người này đang đùa là rất thấp. Nhưng với Musk, điều đó là 50:50", Levine nói thêm.
Bảo Lâm tổng hợp