Triết lý thiết kế của XPS 11 không khác nhiều so với dòng Yoga của Lenovo. Nhờ bản lề linh hoạt, màn hình của máy có thể gập góc 360 độ ngược ra phía sau để chuyển đổi giữa hai chế độ sử dụng là máy tính bảng và laptop truyền thống. Máy đạt chuẩn ultrabook với độ mỏng 1,52 cm và cân nặng chỉ 1,13 kg.
XPS 11 được Dell hướng đến phân khúc cao cấp với màn hình độ phân giải cao, vỏ bằng hợp chất carbon, khung nhôm, kính bảo vệ cường lực Corning Gorilla Glass cùng đèn nền bàn phím và cấu hình mạnh.
Sản phẩm sử dụng màn hình kích thước chỉ 11,6 inch nhưng độ phân giải đạt tới 2.560 x 1.440 pixel hỗ trợ cảm ứng đa điểm và độ sáng có thể đạt tới 400 nits với công nghệ TFT. Cấu hình máy bao gồm tùy chọn vi xử lý Core i3 hoặc i5 nền tảng Haswell, bộ nhớ RAM 3 GB, chip đồ họa Intel HD Graphics 4200, ổ cứng thể rắn SSD từ 80 đến 256 GB.
Các trang bị khác đáng giá như touchpad bằng kính, kết nối Wi-Fi hỗ trợ truyền dẫn tín hiệu hình ảnh không dây qua công nghệ WiDi, Bluetooth, NFC, hai cổng USB 3.0, một cổng HDMI, đầu đọc thẻ nhớ SD, giắc cắm tai nghe 3,5 mm và bộ pin dung lượng 40 Whr
Ngoài XPS 11, Dell cũng ra mắt model màn hình lớn hơn là XPS 13 nhưng không thể lật ngược màn hình. Máy có kích thước khá ấn tượng với độ mỏng 1,77 cm và cân nặng 1,36 kg. Máy bắt đầu bán ra từ tháng 10 với giá từ 1.000 USD.
XPS 13 có màn hình 13,3 inch độ phân giải 1.920 x 1.080 pixel (có thêm tùy chọn thấp hơn là 1.366 x 768 pixel), độ sáng 350 nit và góc nhìn tối đa 178 độ. Cấu hình sản phẩm bao gồm tùy chọn vi xử lý Intel Core i3, i5 hoặc i7 nền tảng Haswell, RAM từ 4 đến 8 GB, chip đồ họa Intel HD Graphics 4400 hoặc 5000 và pin dung lượng 55 Whr.
Các tùy chọn khác cho máy bao gồm ổ cứng thể rắn SSD dung lượng 128 và 256 GB, công nghệ WIDI. Máy có 2 cổng USB 3.0, miniDisplay Port, webcam chuẩn HD, microphone kép. Đáng chú ý là máy không có cổng LAN tiêu chuẩn mà phải sử dụng đầu chuyển RJ45.
Tuấn Hưng