Đầu tuần này, Sam Bankman-Fried (SBF) cũng gửi tin nhắn gây hoang mang tới nhân viên: "Tôi xin lỗi". Những ngày qua, tin xấu liên tục xuất hiện khiến token FTT của sàn FTX mất hơn 80% giá trị, theo Coinmarketcap.
Theo Reuters, hạt giống gieo rắc cho sự sụp đổ của FTX đã nảy mầm từ vài tháng trước. Mọi thứ bắt nguồn từ sai lầm Bankman-Fried đã mắc phải khi ông quyết định cứu các công ty tiền số trên đà suy giảm khác. Một số thương vụ được thực hiện thông qua công ty con Alameda Research đều thua lỗ.
Ba nguồn tin cho biết, Changpeng Zhao (CZ), CEO Binance, không thể làm ngơ trước khoản lỗ trên do ông cũng đang nắm giữ số token FTT trị giá hơn hai tỷ USD của sàn FTX. Trên mạng xã hội, cả hai khẩu chiến nhiều tháng.
Ngày 7/11, CZ xác nhận quyết định thanh lý token FTT với lý do "là bước quản lý rủi ro cần thiết". Ngày 8/11, SBF và CZ lại tuyên bố về một thỏa thuận chiến lược giữa hai bên. Tuy vậy, xung đột lên đến đỉnh điểm vào 9/11 khi CZ cho biết Binance đã rút khỏi thỏa thuận và bán toàn bộ số FTT vì lo ngại về một cú sập Luna thứ hai.
Bankman-Fried lập tức tìm kiếm những người ủng hộ thay thế. Tuy nhiên, khi CEO Binance "quay xe", giới phân tích nhận định mọi thứ không thể phục hồi. Ngày 8/11, token FTT vẫn giao dịch ở mức 22 USD mỗi đồng, nhưng hiện sụt giảm chỉ còn khoảng 3,46 USD.
Mối quan hệ giữa CZ và SBF
Hai chủ sàn Binance và FTX quen nhau từ cách đây ba năm. Sáu tháng sau khi FTX ra mắt năm 2019, CZ đã mua 20% giá trị của sàn với giá khoảng 100 triệu USD "nhằm mục đích cùng nhau phát triển nền kinh tế tiền điện tử".
Nhưng trong vòng 18 tháng qua, cả hai không còn giữ được mối quan hệ thân thiết. FTX đã phát triển nhanh chóng, vươn lên thành sàn tiền số lớn thứ ba thế giới. Theo một cựu nhân viên Binance, CZ cảm thấy FTX dần trở thành thế lực lớn, đủ sức cạnh tranh với công ty của mình. Ông bắt đầu tìm cách hạn chế.
Một nguồn tin tiết lộ với Reuters, tháng 5/2021, FTX nộp đơn xin giấy phép tại Gibraltar cho một công ty con. Nhưng khi ông gửi thông tin tới các cổ đông lớn, Binance đã không hỗ trợ. Trong hai tháng tiếp theo, nhóm luật sư và cố vấn của FTX đã liên hệ với Binance ít nhất 20 lần liên quan đến nguồn tài sản, các mối quan hệ ngân hàng và quyền sở hữu tài sản. Binance chỉ phản hồi vài lần. Tháng 6/2021, một luật sư FTX nói Binance "không tương tác với chúng tôi một cách hợp lý", có nguy cơ làm gián đoạn nghiêm trọng một dự án quan trọng đối với công ty. Một nhân viên pháp lý của Binance trả lời FTX rằng cô cố gắng liên hệ với thư ký của CZ nhưng thông tin được yêu cầu "quá chung chung" nên không cung cấp được mọi thứ như ý muốn.
Đến tháng 7/2021, Bankman-Fried mua lại cổ phần của CZ trong FTX với giá hai tỷ USD, chấm dứt mối quan hệ hợp tác giữa hai bên. Với việc Binance không còn là cổ đông quan trọng, cơ quan quản lý của Gibraltar đã cấp giấy phép cho công ty con của FTX.
Bankman-Fried không trả cho CZ tiền mặt mà là token FTT. Tuần trước, CZ đã "xả" số token này, khiến giá của nó sụp đổ trong thời gian ngắn.
Cái giá của sự đối đầu
Trong tháng 5 và tháng 6, Alameda Research của FTX hứng chịu một loạt thua lỗ từ các giao dịch, trong đó có thỏa thuận cho vay trị giá 500 triệu USD để hỗ trợ Voyager Digital. Tuy nhiên, số tiền không đủ sức cứu Voyager và công ty này đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản vào tháng 7, trước khi được FTX đấu giá 1,4 tỷ USD vào tháng 9.
Vì tìm cách hỗ trợ Alameda, Bankman-Fried đã chuyển ít nhất 4 tỷ USD trong quỹ FTX vốn được đảm bảo bằng token FTT và cổ phiếu của nền tảng giao dịch Robinhood Market. Nghiêm trọng hơn, một phần trong số này là tiền gửi của khách hàng vào sàn.
Khi quyết định, Bankman-Fried đã không nói với các giám đốc điều hành khác của FTX vì sợ thông tin bất lợi có thể bị rò rỉ. Tuy nhiên, ngày 2/11, một bảng cân đối kế toán do CoinDesk thu thập được cho thấy phần lớn tài sản trị giá 14,6 tỷ USD của Alameda được bảo chứng bằng FTT. Khi đó, CEO Alameda Caroline Ellison giải thích trên Twitter rằng thông tin "chỉ thuộc một trong các thực thể doanh nghiệp".
Đến 7/11, CZ tuyên bố bán token FTT "do thông tin đã bị đưa ra ánh sáng".
Sụp đổ sau một đêm
Trong thông điệp gửi tới nhân viên tuần này, Bankman-Fried cho biết FTX đã chứng kiến một "đợt rút tiền khổng lồ" với 6 tỷ USD rời khỏi sàn trong vòng 72 giờ. Website FTX thậm chí không truy cập được sau đó.
Khi CZ nói sẽ bán toàn bộ FTT, Bankman-Fried tự tin vượt qua "cuộc tấn công" của đối thủ. Ông nói với nhân viên trên Slack rằng việc rút tiền của người dùng cũng không có gì đáng ngạc nhiên cả.
Nhưng khi tình hình trở nên nghiêm trọng và không thể tìm ra người ủng hộ, Bankman-Fried buộc phải liên hệ với CZ. CEO Binance xác nhận đã nhận cuộc gọi từ CEO FTX. Bankman-Fried đã ký giao ước không ràng buộc để Binance mua các tài sản ngoài Mỹ của FTX. Vài giờ sau, Bankman-Fried "gửi lời cảm ơn sâu sắc đến CZ" trên Twitter.
Trên Slack, Bankman-Fried trấn an nhân viên "sống để chiến đấu vào một ngày khác". Thế nhưng, các nhân viên tỏ ra sốc vì không hề biết ông chủ của mình đã chi tiền thế nào cho Alameda và vấn đề rút tiền lại nghiêm trọng đến thế.
Ngày 9/11, Binance tuyên bố hủy bỏ thỏa thuận.
"Một ngày buồn", CZ tweet.
Cùng ngày, Sam Bankman-Fried không còn có tên trong bảng xếp hạng tỷ phú của Bloomberg do tài sản sụt từ gần 16 tỷ USD xuống dưới một tỷ USD.
Trong thông điệp mới nhất trên Twitter tối 10/11, Sam Bankman-Fried nói: "Tôi xin lỗi. Tôi đã sai lầm và lẽ ra phải làm tốt hơn".
Bảo Lâm (theo Reuters)