Sự thống trị dưới đáy biển
Theo Atlantic Council, hơn 95% lưu lượng Internet quốc tế hiện nay được thực hiện thông qua cáp quang biển. Chúng kết nối nhiều trung tâm dữ liệu và những máy chủ rộng lớn trên toàn cầu. Các tuyến cáp chạy dưới đáy biển có độ dài 1,3 triệu km, gấp hơn 100 lần đường kính trái đất (12.700 km).
Trước đây, cáp quang biển chủ yếu do các công ty viễn thông và chính phủ kiểm soát và sử dụng. Tuy nhiên, trong gần 10 năm trở lại đây, bốn gã khổng lồ công nghệ Google, Amazon, Meta và Microsoft đang chiếm ưu thế. Theo WSJ, trước 2012, công suất cáp quang biển thế giới được các công ty khai thác chỉ dưới 10%, còn hiện nay con số đã đạt khoảng 66%.
Bốn công ty trên chỉ mới tham gia xây dựng hệ thống cáp biển gần đây. Tuy nhiên, công ty phân tích TeleGeography đánh giá, trong ba năm tới, những hãng này sẽ kiểm soát hầu hết cáp quang biển - hệ thống kết nối tới các quốc gia giàu có, ngốn băng thông nhất ở hai bên bờ Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Đến 2024, cả bốn được dự đoán sở hữu tổng cộng hơn 30 tuyến cáp biển, mỗi tuyến dài hàng nghìn dặm để kết nối mọi lục địa trên thế giới, kể cả Nam Cực.
Các nhà mạng truyền thống luôn hoài nghi về mục đích triển khai các hệ thống cáp quang của Big Tech. Trong khi đó, giới phân tích lo ngại khi kiểm soát cáp, những hãng công nghệ này có thể ưu tiên phân phối dịch vụ riêng, thậm chí chi phối Internet toàn cầu.
Tuy nhiên, sự tham gia này cũng có mặt tích cực, như giúp giảm chi phí truyền dữ liệu xuyên đại dương cho người dùng. Thực tế, số liệu của TeleGeography cho thấy, nhờ các tuyến cáp do Big Tech triển khai, thế giới đã tăng khả năng truyền dữ liệu quốc tế lên 41% riêng trong năm 2020.
Mỗi sợi cáp quang biển hiện có giá trị hàng trăm triệu USD. Việc lắp đặt và bảo trì đòi hỏi nhiều trang thiết bị và công đoạn, từ tàu khảo sát đến tàu đặt cáp chuyên dụng dưới đáy biển gồ ghề. Ở một số địa điểm, các sợi cáp mỏng manh bằng kích thước ống nước trong vườn được đặt sâu hàng km dưới đáy biển. Đây là những khu vực khó bảo trì, lại thường xuyên bị hư hại nhất.
Theo Howard Kidorf, đối tác quản lý của Pioneer Consulting, việc triển khai lắp đặt hệ thống cáp quang biển rất "căng thẳng". Bên cạnh khó khăn về địa hình, các kỹ sư cần phải tránh nguy cơ khác, như đường ống dẫn dầu và khí đốt, sợi cáp tải điện áp từ trang trại gió ngoài khơi hay thậm chí cả xác tàu đắm và bom chưa nổ.
Ông lớn công nghệ được lợi gì?
Với nguồn lực ngày càng lớn, các công ty công nghệ không ngần ngại chi tiền. Microsoft, Alphabet, Meta và Amazon hiện rót tổng cộng hơn 90 tỷ USD vào chi tiêu vốn cho cáp quang biển. Bên cạnh các khu vực phát triển, nhiều tuyến cáp mới đang được đầu tư cho những nơi chưa mạnh về băng thông Internet như châu Phi và Đông Nam Á.
Timothy Stronge, Phó chủ tịch nghiên cứu của TeleGeography, nhận định: "Chi phí mua dung lượng ngày càng cao. Bằng cách xây dựng tuyến cáp riêng, những gã khổng lồ công nghệ sẽ tiết kiệm những khoản tỷ USD phải trả cho nhà khai thác khác".
Microsoft, Alphabet, Meta và Amazon không tự xây dựng nhiều tuyến cáp, thay vào đó họ đầu tư cho chính đối thủ. Chẳng hạn, tuyến Marea với chiều dài 6.600 km từ biển Virginia (Mỹ) đến Bilbao (Tây Ban Nha), hoàn thành năm 2017, có một phần sở hữu của Microsoft, Meta và Telxius, công ty con thuộc hãng viễn thông Telefonica. Năm 2019, Amazon cũng ký thoả thuận với Telxius để sử dụng một trong 8 cặp cáp quang thuộc tuyến Marea đang vận hành. Tuyến này hiện đạt công suất 200 Tb/giây, đủ để phát đồng thời hàng triệu phim độ phân giải HD qua Internet.
Chia sẻ băng thông giữa các đối thủ cạnh tranh giúp mỗi công ty đảm bảo dung lượng trên nhiều cáp hơn. Phương án dự phòng này được đánh giá là cần thiết nhằm giữ cho mạng Internet của thế giới hoạt động tốt khi cáp quang biển bị đứt hoặc bị hỏng. Theo Ủy ban Bảo vệ Cáp Quốc tế (ICPC), sự cố đứt cáp xảy ra khoảng 200 lần mỗi năm.
"Chia sẻ cáp quang biển với đối tác, như Microsoft đã làm với Marea, là chìa khóa đảm bảo cho dịch vụ đám mây của chúng tôi luôn duy trì hoạt động và đảm bảo tính cạnh tranh", Frank Rey, Giám đốc cấp cao của Microsoft, nói.
Trong khi đó, Stronge cho rằng việc Big Tech bắt tay với các nhà mạng sẽ giúp họ tránh ánh mắt thăm dò của các nhà quản lý và không bị coi là công ty viễn thông. Thực tế, trong nhiều năm, Microsoft, Alphabet, Meta và Amazon luôn cố chứng minh họ không phải là nhà cung cấp dịch vụ như các nhà mạng để tránh bị áp luật.
"Chúng tôi không phải là nhà cung cấp dịch vụ, chúng tôi không bán bất kỳ băng thông nào của mình để kiếm tiền", Kevin Salvadori, Phó chủ tịch phụ trách cơ sở hạ tầng mạng của Meta, nói với WSJ.
Vijay Vusirikala, quản lý cơ sở hạ tầng cáp quang của Google, khẳng định công ty muốn tự chủ hệ thống cáp những năm qua với hai lý do: phục vụ các dịch vụ riêng như Search hay YouTube và giành lợi thế trong lĩnh vực điện toán đám mây.
Theo Joshua Meltzer, thành viên tổ chức Brookings Institution chuyên nghiên cứu về thương mại kỹ thuật số và dữ liệu, việc tự chủ về hạ tầng và băng thông Internet có thể dẫn tới sự áp đảo trên thị trường.
"Bạn cần hình dung rằng, khoản đầu tư này cuối cùng sẽ giúp các công ty thành kẻ thống trị ở lĩnh vực của mình, vì họ có thể cung cấp dịch vụ ở mức giá rẻ hơn bao giờ hết", Meltzer nhận định.
Bảo Lâm (theo WSJ)