Theo hồ sơ trình lên Ủy ban chứng khoán và giao dịch Mỹ (SEC) hôm 12/4, Facebook đã đưa ra thông báo về cuộc họp cổ đông thường niên sẽ diễn ra ngày 30/5. Trong đó, các đề xuất để bỏ phiếu của những nhà đầu tư trong sự kiện này cũng được xác nhận. Hai trong số tám đề xuất khá quen thuộc, thể hiện những nỗ lực không mệt mỏi của các cổ đông nhằm thay đổi phương thức quản trị bị coi là "không công bằng" của mạng xã hội này.
Một trong số này có tiêu đề "Đề xuất cổ đông liên quan đến một chủ tịch độc lập", với yêu cầu phế truất vị trí chủ tịch hội đồng quản trị của Mark Zuckerberg và thuê một giám đốc điều hành thay thế cho vị trí này. Trước đó vào tháng 7/2018, một trong những cổ đông lớn nhất của Facebook là Trillium Asset Management đã đưa ra đề nghị tương tự sau một loạt các bê bối của mạng xã hội này, trong đó có vi phạm dữ liệu Cambridge Analytica.
Đáp lại đề xuất trong hồ sơ của SEC, Facebook kêu gọi các nhà đầu tư bỏ phiếu từ chối. "Chúng tôi tin ban giám đốc đang hoạt động hiệu quả theo cấu trúc hiện tại và cơ cấu hiện tại cung cấp các biện pháp bảo vệ, giám sát phù hợp", Facebook cho biết. "Chúng tôi không tin việc yêu cầu chủ tịch hội đồng quản trị phải độc lập sẽ cung cấp định hướng và hiệu suất tốt hơn đáng kể. Thay vào đó nó có thể gây ra sự yếu kém hiệu quả trong chức năng và quan hệ của hội đồng quản trị".
Trên thực tế, cơ hội để mong muốn của các nhà đầu tư trở thành hiện thực rất mong manh, dù được hỗ trợ bởi những cổ đông đang kiểm soát số cổ phiếu trị giá khoảng 3 tỷ USD. Bởi cấu trúc cổ phiếu của Facebook chia làm hai lớp. Cổ phiếu loại B có quyền bỏ phiếu gấp 10 lần cổ phiếu loại A. Mark Zuckerberg lại sở hữu hơn 75% cổ phiếu loại B, tức là ông có hơn một nửa quyền biểu quyết tại Facebook. Năm 2017, mong muốn đòi thay CEO của các nhà đầu tư độc lập đã bị sức mạnh cổ phiếu của Zuckerberg "nghiền nát".
Đây cũng là lý do khiến các cổ đông muốn xóa bỏ cấu trúc cổ phần hiện tại. Tại cuộc họp nhà đầu tư hàng năm, họ sẽ có cơ hội bỏ phiếu cho một đề xuất. Năm nay, những cổ đông đang muốn xây dựng một hệ thống quản trị công bằng hơn bằng việc loại bỏ các cổ phiếu loại B.
Không rõ nhà đầu tư nào đã đưa ra đề xuất này, nhưng Facebook một lần nữa cho biết nó sẽ bị các cổ đông bác bỏ, giống như trước đây. "Chúng tôi tin cấu trúc vốn của mình tạo ra vì lợi ích tốt nhất của các cổ đông và cơ cấu quản trị doanh nghiệp hiện tại là hợp lý và hiệu quả", đại diện công ty cho biết.
Facebook gần như chắc chắn sẽ có được điều mình muốn. Tuy nhiên, hai đề xuất của các nhà đầu tư tiếp tục thể hiện sự không hài lòng của họ về cách Facebook hoạt động sau một năm bị coi là "địa ngục" đối với công ty. Nó cũng cho thấy các cổ đông tiếp tục tin rằng Zuckerberg đang nắm trong tay quá nhiều quyền lực.
Bảo Nam (theo Business Insider)