Theo Nikkei, tình trạng ngắt điện trên diện rộng thúc đẩy các nhà sản xuất công nghệ chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Trong khi các thương hiệu lớn như Apple, Amazon... nỗ lực tăng sản xuất trước kỳ mua sắm lớn cuối năm, mất điện lại trở thành trạng thái "bình thường mới" trong các nhà máy đặt tại Trung Quốc.
Một nhà sản xuất phụ kiện điện tử ở Trung Sơn, Quảng Đông cho biết: "Thông báo cắt điện bắt đầu xuất hiện từ tháng 6 nhưng kể từ giữa tháng 9, mọi thứ diễn ra thường xuyên hơn. Giờ mỗi tuần chúng tôi đều nhận được thông báo về lịch cắt điện định kỳ".
Một nhà máy quy mô 500 người, chuyên sản xuất thiết bị Bluetooth, tai nghe và phụ kiện điện tử cho các thương hiệu quốc tế như Harman Kardon và Edifier, cho biết với lịch cắt điện 5 ngày một tuần, hoạt động sản xuất của họ chủ yếu dựa vào máy phát điện. Tuy nhiên, việc này chỉ có thể duy trì hoạt động của nhà máy ở mức cơ bản.
"Nếu tiếp tục kéo dài, một số lô hàng chắc chắn bị chậm trễ. Chúng tôi đang tính phương án thuê hoặc xây dựng nhà máy mới ngoài Trung Quốc", quản lý nhà máy nói.
Các nhà sản xuất ở Giang Tô, Chiết Giang và Quảng Đông - nơi đặt trụ sở của hàng chục nghìn cơ sở công nghệ - cho biết việc liên tục mất điện khiến giá hàng hóa tăng vọt. Các đối tác sản xuất của Apple cảnh báo việc cắt điện liên tục có nguy cơ đe dọa đến tính liên tục của chuỗi cung ứng.
"Chúng tôi nghe nói tình hình có thể kéo đến cuối năm, thậm chí lâu hơn. Lâu dần, các nhà máy có thể không thể cầm cự được nếu cứ mất điện liên tục", một giám đốc điều hành chuyên cung cấp loa ở Đông Quan cho biết. Công ty này đang là đối tác sản xuất của Amazon, Lenovo và nhiều doanh nghiệp khác.
"Chúng tôi đang xem xét lại tình hình và tính đến phương án chuyển nhà máy ra nước ngoài. Có thể ở Việt Nam, Indonesia hoặc Thái Lan", Edward Yang, Chủ tịch Goodway Machine Tools Group, nhà cung cấp cho Toyota, Ford và Samsung, nói. Ông cho biết những công ty đang hoạt động ở Trung Quốc chắc chắn sẽ phải đối mặt với việc giá điện tăng trong tương lai. Điều này sẽ tạo ra một làn sóng thay đổi cơ cấu ngành, đồng thời khiến thúc đẩy các công ty đa dạng hóa năng lực của mình để giảm rủi ro của việc tập trung hóa quá mức.
Tính chất liên kết của chuỗi cung ứng làm tăng tác động của cuộc khủng hoảng điện ở Trung Quốc. Một nhà sản xuất máy chủ cho Amazon, Facebook và Microsoft có trụ sở tại thành phố Côn Sơn cho biết họ đang phải dựa vào nguồn dự trữ để tiếp tục sản xuất sau khi nhà cung cấp của họ bị gián đoạn sản xuất do cắt điện.
Giám đốc điều hành một nhà cung ứng của Apple nói: "Mọi thứ rất hỗn loạn và khó hiểu. Nhiều nhà cung cấp công nghệ lớn của Trung Quốc, như đối tác lắp ráp iPhone mới nổi Luxshare và các công ty con của họ ở khắp các tỉnh khác nhau lại không bị mất điện". Luxshare chưa đưa ra phản hồi về việc này.
Một giám đốc điều hành khác của nhà cung cấp bảng mạch in của Apple cho biết chính quyền địa phương đang quyết định cấp điện cho bên nào dựa trên giá trị sản phẩm làm ra. "Nếu bạn không mang lại nhiều giá trị như màn hình hiển thị hoặc chất bán dẫn nhưng tiêu tốn nhiều năng lượng, xin lỗi bạn bị gạch tên khỏi danh sách. Tốt hơn hết bạn nên tắt máy và chuyển đi", người này nói.
Đại diện một nhà cung cấp cho iPhone cho biết: "Đó không chỉ là vấn đề nguồn điện. Sự thay đổi của chuỗi cung ứng là một chủ đề nhạy cảm ở Trung Quốc. Từ Jack Ma đến các cuộc 'đàn áp' về game, tiền điện tử... đều cho thấy sự bất ổn ngày càng tăng đối với các doanh nghiệp hoạt động ở Trung Quốc. Mọi người đang sợ hãi".
Karen Ma, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Công nghệ Công nghiệp có trụ sở tại Tân Trúc hy vọng sự cố về điện lần này sẽ khiến các công ty đa dạng hóa thị trường thay vì phụ thuộc vào Trung Quốc. "Trước đây, chỉ có các nhà máy lắp ráp đa quốc gia mới tiến hành kế hoạch đa dạng hóa. Nhưng có thể thấy, bây giờ các công ty khác trong chuỗi cung ứng cũng sẽ di chuyển ít nhất một phần sản xuất ra quốc gia lân cận. Cuối cùng, các khách hàng như Apple, Google, HP và Dell đều muốn có một chuỗi cung ứng linh hoạt hơn bên ngoài Trung Quốc", Karen Ma nói.
Khương Nha (theo Nikkei)