Những mái nhà được phủ kín pin mặt trời có thể là cảnh tượng phổ biến tại Texas, sau một trong những trận bão mùa đông tồi tệ nhất lịch sử bang này.
Texas hiện có 780.000 hộ dân dùng hệ thống điện mặt trời, chỉ xếp sau bang California, theo số liệu của Hiệp hội Công nghiệp Năng lượng mặt trời. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ dân sử dụng nguồn năng lượng này chỉ là 1%, thấp hơn nhiều so với trung bình toàn nước Mỹ. Giá điện tương đối thấp khiến người dân Texas không có nhu cầu chuyển đổi sang nguồn điện khác.
Tuy nhiên, những sự kiện diễn ra trong tháng này có thể thay đổi điều đó.
Texas gần như ngừng lại khi trận bão khiến nhiệt độ hạ xuống -24 độ C, mức lạnh thứ hai trong lịch sử bang, khiến hàng triệu người mất điện nước. Chênh lệch giữa cung và cầu có lúc lên tới 30 gigawatt, tương đương nửa nhu cầu đỉnh toàn bang, trong khi các nhà vận hành mạng lưới năng lượng phải tìm mọi cách để ngăn hệ thống hư hỏng và khiến cả bang mất điện trong nhiều tháng.
Điều này khiến giá điện tại Texas tăng vọt đến 10.000%. Một số khách hàng chọn mua điện thông qua các nhà cung cấp tư nhân theo giá thị trường phải hứng chịu hậu quả nặng nề từ biến động chi phí theo quy luật cung - cầu. Một người sử dụng điện của nhà cung cấp Griddy đã nhận hóa đơn 3.800 USD cho căn hộ 120 mét vuông trong hai tuần.
Đây chỉ là sự khởi đầu. Texas sẽ phải chi hàng tỷ USD để củng cố cơ sở hạ tầng đối phó với thời tiết cực đoan, vốn có thể ngày càng tồi tệ hơn. Chính sách "phi điều tiết" điện lực khiến phần lớn quyết định thuộc về giới doanh nghiệp, nhưng chính quyền bang cũng phải chịu áp lực nhằm ngăn tình trạng tương tự tái diễn khi xảy ra thiên tai trong tương lai.
Trong 5 năm tới, Texas sẽ phải đầu tư khoản tiền khổng lồ cho cơ sở hạ tầng mới và chi phí này sẽ được tính vào hóa đơn điện.
Câu chuyện tương tự từng diễn ra ở Australia, khi người dùng điện phản đối dữ dội với hóa đơn tăng vọt. Giá điện bán lẻ ở Australia tăng gần gấp đôi kể từ năm 2005 để bù đắp chi phí nâng cấp cơ sở hạ tầng lạc hậu. Hàng loạt biện pháp khuyến khích và giá điện mặt trời giảm thúc đẩy cá hộ dân tự lắp đặt thiết bị tại nhà.
Australia hiện nay có tỷ lệ triển khai điện mặt trời theo hộ dân lớn nhất trong các nền kinh tế chủ chốt trên thế giới, khi ít nhất 25% hộ gia đình tại nước này có pin mặt trời. Chi phí đầu tư ban đầu thường được bù đắp chỉ sau vài năm. Một chủ hộ cho biết đã lắp hệ thống pin mặt trời với số tiền 3.000 USD, hóa đơn điện 190 USD mỗi tháng đã chuyển thành nguồn thu 30 USD nhờ chính sách mua điện thừa từ người dân.
Hiện tượng tương tự cũng đang diễn ra ở Mỹ, theo Vikram Aggarwal, người sáng lập và CEO chợ trao đổi pin mặt trời EnergySage. Sự quan tâm đến điện mặt trời đều đặn gia tăng khi mỗi thảm họa thiên nhiên thúc đẩy người dùng tìm cách ngăn tình trạng mất điện và giá cả leo thang.
Sau khi bão Maria tàn phá mạng lưới điện ở Puerto Rico năm 2018, số hộ gia đình lắp đặt các hệ thống ắc quy tích điện trong nhà đã tăng kỷ lục. Các trận cháy rừng ở bang California và chính sách khuyến khích của giới chức đã biến bang trở thành một trong những thị trường điện mặt trời và ắc quy lớn nhất tại Mỹ. Mật độ pin mặt trời tăng vọt khi hãng điện PG&E cắt nguồn năng lượng cho hàng triệu người để ngăn cháy trong năm 2019.
Texas nổi tiếng vì hành động một mình một kiểu. Mạng lưới điện của bang tách rời với phần còn lại của nước Mỹ để tránh quy định kiểm soát liên bang. Đó là lý do họ không thể nhận điện từ các bang khác khi hàng loạt nhà máy ngừng hoạt động trong trận bão. Khi thảm họa chấm dứt, Texas có thể chứng kiến người dân đi theo bước của nhiều bang khác tại Mỹ, thay vì tiếp tục con đường đơn độc trước đây.
Điệp Anh (Theo QZ)