Tháng 5/2020, hai kẻ buôn ma túy dùng nền tảng nhắn tin mã hóa Anom để lên kế hoạch đưa ma túy từ Colombia đến Hong Kong. Một kẻ dùng biệt danh Real G gửi hình ảnh thùng gỗ chứa đầy những gói nghi là cocaine cho đối tác. "Họ sẽ đặt một lớp chuối lên trên để che giấu chúng", Real G viết, hé lộ phương thức che giấu chất cấm cho đối tác.
Trong suốt một năm, Real G và hàng trăm tên tội phạm tin rằng Anom là phương thức tốt nhất để sắp xếp các thương vụ ma túy, rửa tiền và giết người mà không bị giới chức phát hiện.
Tuy nhiên, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã bí mật theo dõi và sao chép toàn bộ tin nhắn được sử dụng trên nền tảng này. Thực tế, đây là một trong những cái bẫy phức tạp nhất từng được triển khai, toàn bộ nền tảng nhắn tin được vận hành bởi chính FBI.
Chiến dịch "Lá chắn Trojan" hình thành thế nào
Ý tưởng làm nên Lá chắn Trojan được xây dựng trong một bữa tiệc, giữa cảnh sát Australia và đặc vụ FBI năm 2018. Hệ thống nhắn tin mã hóa Phantom Secure vừa bị đóng cửa vào giai đoạn đó, tạo ra khoảng trống lớn trên thị trường.
FBI thuyết phục một nhà phát triển giấu tên, người đang xây dựng nền tảng Anom, để lấy quyền kiểm soát và giới thiệu ứng dụng này đến các nghi phạm. Đổi lại, nhà phát triển này, người đang đối diện với án tù không rõ thời hạn, sẽ được nhận 120.000 USD, mức án nhẹ hơn và chi phí đi lại.
Ứng dụng Anom được cài trên điện thoại di động và xóa mọi chức năng như gọi điện hay gửi email. Giá bán tùy thuộc vào khu vực, nhưng ước tính khoảng 1.300 USD cho 6 tháng sử dụng tại thị trường chợ đen ở Australia.
Chiến dịch mang tên Lá chắn Trojan đã hé lộ "chợ đen" của những ứng dụng nhắn tin riêng tư, vốn được tội phạm sử dụng ngày càng nhiều, đồng thời cho thấy các lực lượng hành pháp sẵn sàng làm mọi thứ để phá vỡ mạng lưới của chúng.
"Chính những thiết bị được tội phạm dùng để ẩn náu lại trở thành tín hiệu đánh dấu cho lực lượng hành pháp. Chúng tôi muốn phá vỡ mọi sự tin tưởng của tội phạm với ngành công nghiệp thiết bị mã hóa", công tố viên bang California Randy Grossman nói.
Trong vòng 3 năm tiếp theo, chiến dịch Lá chắn Trojan đã kiểm tra khoảng 27 triệu tin nhắn từ 11.800 thiết bị, trong bối cảnh Anom trở nên phổ biến với tội phạm toàn cầu. FBI đã phối hợp với lực lượng hành pháp ở 17 nước để thực hiện chiến dịch này.
Lá chắn Trojan đã giúp cơ quan chức năng tiến hành hơn 800 vụ bắt giữ, tịch thu 48 triệu USD tiền mặt và tiền ảo, cùng khoảng 32 tấn ma túy. Hơn 100 âm mưu giết người cũng bị phá vỡ. Hàng loạt vụ án tham nhũng cấp cao cũng được khởi động liên quan đến chiến dịch này.
"Chiến thuật nằm vùng kỹ thuật số đã chứng tỏ hiệu quả. Điều gây bất ngờ là quy mô của Lá chắn Trojan, cả về số người tham gia và tầm bao phủ địa lý", Ashkan Soltani, cựu chuyên gia công nghệ hàng đầu của Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ, nhận xét.
Lá chắn Trojan dường như là chiến dịch nằm vùng kỹ thuật số lớn và phức tạp nhất, nhưng không phải lần đầu tiên lực lượng hành pháp các nước tiến hành hoạt động này. Các cơ quan hành pháp châu Âu hồi năm ngoái đã xâm nhập mạng lưới liên lạc mã hóa EncroChat trong thời gian ngắn, dẫn tới hàng trăm vụ bắt giữ.
"Điều đó cho thấy không thể tin tưởng bất kỳ hệ thống nào. Tất cả đều có thể bị xâm nhập. Chiến dịch Anom nhiều khả năng sẽ làm giới tội phạm nghi ngờ mọi ứng dụng liên lạc và khiến chúng khó hoạt động hơn", chuyên gia mã hóa Bruce Schneier nói.
Chiến dịch nằm vùng kỹ thuật số là cơ hội để các nhóm ủng hộ quyền riêng tư lên tiếng. Nhóm này vốn phản đối lệnh cấm phần mềm mã hóa và biện pháp mở cửa sau cho lực lượng hành pháp truy cập những ứng dụng nhắn tin mã hóa phổ biến như WhatsApp và Signal.
"Nó cho thấy lời kêu gọi mở cửa sau trong các ứng dụng là không cần thiết. Bạn có thể dùng nghiệp vụ điều tra truyền thống và các chiến dịch nằm vùng mà không cần xâm nhập những dịch vụ được người bình thường sử dụng", Soltani nói. Ông cũng chỉ ra những vấn đề đạo đức, như nguy cơ do thám người vô tội. "Bao nhiêu tên tội phạm và dân thường đã bị theo dõi trong chiến dịch này", ông cho hay.
Điệp Anh (Theo Financial Times)