Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) đã khảo sát 352 tổ chức và doanh nghiệp tại Việt Nam tham gia Diễn đàn Cấp cao CNTT-TT Việt Nam. Trong số đó, 40,6% đơn vị khẳng định đã sẵn sàng nguồn lực và 23,6% đang triển khai các hoạt động chuyển đổi số.
Tuy nhiên, cũng có 30,7% nói đã tìm hiểu nhưng chưa biết cần phải làm gì và 5,1% trả lời chưa hiểu biết, chưa có hành động gì liên quan tới chuyển đổi số. Có tới 38% những đơn vị tham gia băn khoăn việc chuyển đổi số nên bắt đầu từ đâu, hay chưa hiểu tin học hóa khác với chuyển đổi số ra sao.
Trong quá trình triển khai các giải pháp chuyển đổi số ở Việt Nam, ông Park Jong Hyun, Tổng Giám đốc của Dasan Zhone Solutions nhận thấy đa số cơ sở hạ tầng mạng của doanh nghiệp Việt Nam chưa sẵn sàng cho chuyển đổi số, nhất là trong các vấn đề tốc độ, bảo mật dữ liệu, khả năng mở rộng, lưu trữ đám mây và đơn giản hóa.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, như nhận thức chưa thông suốt, ngại và chưa sẵn sàng thay đổi công nghệ, ngân sách đầu tư hạn chế, nhân lực chuyên môn còn ít... Để Việt Nam có thể thực hiện chuyển đổi số, hạ tầng mạng là nhân tố đầu tiên phải đổi mới, nhưng nhiều tổ chức và doanh nghiệp còn xem nhẹ.
"Dù các nhân tố như dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, vạn vật kết nối đóng vai trò chủ chốt cho sự phát triển của chuyển đổi số, cuộc cách mạng này chỉ có thể thực sự bắt đầu khi cơ sở hạ tầng mạng được chuyển đổi", ông Hyun nhấn mạnh.
Ba lĩnh vực được dự đoán sẽ chuyển đổi số nhanh nhất là công nghệ thông tin, tài chính - ngân hàng và thương mại điện tử. Tuy nhiên, một trong số những lĩnh vực được chờ đợi sẽ sớm chuyển đổi số tại Việt Nam lại là cung ứng dịch vụ công.
23% trong số 8.093 doanh nghiệp tham gia khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết họ phải dành hơn 10% quỹ thời gian để tìm hiểu và thực hiện các quy định pháp luật của Nhà nước. Gần 30% vẫn phải đi lại nhiều lần để lấy dấu và chữ ký...
Trong phiên hội thảo chuyên đề tại sự kiện Vietnam ICT Summit 2019, ông Cao Hoàng Anh, Phó tổng giám đốc FSI, khẳng định: "Thủ tục hành chính phiền hà vẫn là khó khăn lớn mà nhiều doanh nghiệp và người dân phải đối mặt".
Theo ông, giải pháp cho vấn đề trên là xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung về hồ sơ thủ tục hành chính, tích hợp với các hệ thống phần mềm dịch vụ công sẵn có thông qua việc Số hóa thông tin và Quy trình nghiệp vụ. Bên cạnh đó, cần áp dụng công nghệ nhận dạng, trích xuất thông tin tự động từ các hồ sơ, tài liệu, biểu mẫu..., giúp tiết kiệm thời gian, nhân lực xử lý thủ tục hành chính.
Diễn đàn Cấp cao CNTT-TT Việt Nam (Vietnam ICT Summit), do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) và Bộ Thông tin và Truyền thông đồng tổ chức, năm nay có chủ đề "Chuyển đổi số vì một Việt Nam hùng cường".
Có nhiều định nghĩa và cách hiểu về chuyển đổi số. Theo Gartner, chuyển đổi số là việc sử dụng các công nghệ số để thay đổi mô hình kinh doanh, tạo ra những cơ hội, doanh thu và giá trị mới. Microsoft cho rằng chuyển đổi số là việc tư duy lại cách thức các tổ chức tập hợp mọi người, dữ liệu và quy trình để tạo những giá trị mới.
Còn theo quan điểm của FPT, chuyển đổi số trong tổ chức, doanh nghiệp là quá trình thay đổi từ mô hình truyền thống sang doanh nghiệp số bằng cách áp dụng công nghệ mới như dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud)... thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa công ty. Chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích như cắt giảm chi phí vận hành, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn trong thời gian dài hơn, lãnh đạo ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn nhờ hệ thống báo cáo thông suốt kịp thời. Qua đó, hiệu quả hoạt động và tính cạnh tranh của tổ chức, doanh nghiệp được nâng cao.