Không còn chạy theo số "chấm" như trên One M9, HTC quay trở lại với công nghệ ultrapixel trên camera sau nhưng nâng độ phân giải lên 12 megapixel, mức vừa đủ giống như nhiều smartphone cao cấp hiện nay. Các trang bị được hãng thông báo đều rất đáng giá như ống kính độ mở f/1.8, khả năng lấy nét bằng laser, tốc độ lấy nét chỉ 0,2 giây, chống rung quang học và khả năng quay video 4K.
Những nỗ lực của HTC đã có những thành quả rất sớm khi trang web uy tín chuyên đánh giá máy ảnh là DxoMark chấm 88 điểm. Con số này bỏ khá xa iPhone 6s (82 điểm), iPhone 6s Plus (84 điểm) và tương đương với Galaxy S7 edge. Đây là kết quả gây nhiều bất ngờ bởi các thế hệ smartphone trước đây của HTC đều không được đánh giá cao về camera. Model trước đó của dòng One là M9 cũng chỉ đạt 69 điểm, cao hơn một điểm so với One M8. Model được đánh giá cao nhất là HTC One A9 cũng chỉ đạt 78 điểm.
Ngoài chất lượng cảm biến được đánh giá cao, HTC cũng cho thấy những nỗ lực trong việc cải thiện trải nghiệm của người dùng. Máy cho phép mở nhanh phần mềm camera bằng cách vuốt màn hình xuống dưới hai lần từ trạng thái "ngủ". Thử nghiệm cho thấy thao tác dễ làm, cứ 7 đến 8 lần thử mới có một lần không thành công. Tuy không nhanh bằng kiểu bấm đúp nút Home trên Galaxy S7 nhưng là đáng khen do HTC 10 bị hạn chế không thể bấm nút Home vật lý như đối thủ.
Mặt kính bảo vệ camera trên HTC 10 được thông báo làm bằng sapphire nên hạn chế tối đa tình trạng xước răm, ảnh hưởng chất lượng chụp. Trong khoảng 3 tuần người viết sử dụng, dù không giữ gìn khi thỉnh thoảng bỏ tủi quần cùng chìa khóa, để lên mặt bàn đá nhưng không bị vết xước nào. Dù vậy, tần suất phải lau phần kính này trước khi sử dụng để chụp rõ nét hơn lại cao hơn so với một số smartphone cao cấp khác.
Cùng với tốc độ khởi động ứng dụng nhanh, tốc độ lấy nét của máy cũng rất ấn tượng. Từ chế độ ngủ, người dùng có thể chỉ mất khoảng 3 giây là đã chụp được xong tấm đầu tiên. So với các thiết bị như iPhone, máy lấy nét nhanh hơn trong điều kiện thiếu sáng. Tuy nhiên, các bức ảnh cận cảnh, thiết bị của HTC lại gặp đôi chút khó khăn do "nhầm lẫn" giữa tiền cảnh và hậu cảnh trong một số trường hợp.
HTC cũng đã học Apple trong cách điều khiển bù trừ sáng. Khi lấy nét, người dùng chỉ cần vuốt nhẹ lên hoặc xuống để điều chỉnh sáng tối theo ý muốn rất thuận tiện và trực quan. Chế độ chụp chỉnh tay Pro giữ cách thiết kế khá giống so với các thế hệ trước. Các thông số như ISO, tốc độ, nhiệt độ màu, lấy nét đều có thể chỉnh dễ dàng với thanh trượt.
Ấn tượng lớn nhất về ảnh chụp trên HTC là khả năng tái tạo màu sắc. Các bức hình không cho ra màu trung tính như iPhone nhưng cũng không bị quá rực rỡ theo kiểu cộng Saturation như một số nhà sản xuất khác thường làm. Các chi tiết, vùng ảnh có độ tương phản tốt, no màu, nổi khối và cho ra tông rất riêng giống như Leica hay Fujifilm làm với thế giới máy ảnh. Chỉ cần xem và so sánh vài tấm ảnh, người dùng có thể dễ dàng nhận ra "chất" riêng của HTC 10.
Với cảm biến lớn, độ phân giải vừa đủ 12 megapixel, mỗi điểm ảnh có kích thước lớn nên thu nhận được nhiều ánh sáng hơn. Nhờ vậy, máy chụp tốt trong điều kiện thiếu sáng, một điểm cộng lớn so với One M9 ra mắt năm ngoái. Nhiễu hạt ít xuất hiện và chi tiết vẫn thể hiện tốt do không bị đẩy ISO lên quá cao. Ngoài ra, máy còn có sự trợ giúp đắc lực của công nghệ ổn định quang học OIS nên giảm thiểu các bức hình bị nhòe do rung tay.
Nhưng HTC 10 vẫn có nhược điểm khi đối diện với các khung cảnh rộng với nhiều vùng chênh sáng lớn. Máy thường có xu hướng tăng độ tương phản nên các vùng sáng có thể bị dư sáng hoặc các vùng tối bị tối hơn so với thực tế. Dưới trời nắng gắt, máy thường bị đánh lừa và cho ra các bức hình hơi tối và khiến người dùng phải cộng sáng.
Với những người dùng yêu thích chụp selfie, HTC 10 là một lựa chọn sáng giá. Vẫn giữ công nghệ ultrapixel, độ mở f/1.8 nhưng máy có thêm tính năng ổn định hình ảnh quang học OIS (Galaxy S7 không có) nên giảm tình trạng rung tay khi người dùng tự chụp chân dung. Camera của máy cũng có góc khá rộng, chụp được nhóm 5 người cùng lúc dễ dàng. Máy cũng chỉ làm mịn mặt rất ít trong khi màu da thường sáng hơn đôi chút dù để ở chế độ mặc định.
Với những ưu điểm về màu sắc, tốc độ hoạt động và khả năng chỉnh tay phong phú, HTC 10 là lựa chọn rất tốt cho các tín đồ đam mê nhiếp ảnh trên điện thoại. So với các thế hệ trước, tính cạnh tranh của HTC 10 là rất đáng kể khi đặt bên cạnh LG V10 hay Galaxy S7.
HTC 10 | Samsung Galaxy S7 | ||
Camera | 12 megapixel | 12 megapixel | |
Flash | Dual LED | LED | |
Độ mở ống kính | f/1.8 | f/1.7 | |
Góc ống kính (quy đổi 35 mm) | 26 mm | 26 mm | |
Kích thước cảm biến | 1/2,3 inch | 1/2,5 inch | |
Kích thước điểm ảnh | 1,55 μm | 1,4 μm | |
Tính năng phần cứng |
Chống rung quang học, lấy nét laser, cảm biến BSI |
Chống rung quang học, lấy nét tự động theo pha |
|
Hỗ trợ phần mềm |
Chụp ảnh RAW, nhận dạng khuôn mặt, zoom quang, nhớ vị trí, hẹn giờ chụp |
Chụp ảnh RAW, nhận dạng khuôn mặt, nụ cười, zoom quang, nhớ vị trí, hẹn giờ chụp | |
Chỉnh tay |
Bù trừ sáng, ISO, cân bằng trắng, tốc độ chụp |
Bù trừ sáng, ISO, cân bằng trắng | |
Quay video | 3.840 x 2.160 (4K), 1.280 x 720 (720p HD) (120 khung hình/giây) | 3.840 x 2.160 (4K) (30 khung hình/giây), 1.920 x 1.080 (1080p HD) (60 khung hình/giây), 1.280 x 720 (720p HD) (240 khung hình/giây) | |
Tính năng video | Time-lapse video, Hyperlapse, Quay videot rong khi chụp, Video calling, Video sharing | High Dynamic Range mode (HDR), Quay videot rong khi chụp, Video calling, Video sharing | |
Camera trước | 5 megapixel | 5 megapixel | |
Tính năng | Chống rung quang học, Autofocus, chế độ High Dynamic Range (HDR) | chế độ High Dynamic Range (HDR) |