"Chúng tôi vinh dự được mở rộng mối quan hệ chiến lược với Huawei, một trong những công ty viễn thông hàng đầu thế giới với nguồn lực mạnh và sáng tạo", Margaret Dawson, Giám đốc marketing của Công ty Viễn thông Red Hat của Mỹ nói trong một thông cáo báo chí năm 2017.
Theo Business Insider, giống như công nghệ - một nền công nghiệp vốn thay đổi nhanh chóng - Red Hat giờ cũng chẳng cảm thấy vui mừng về mối quan hệ chiến lược này với Huawei nữa. Các hãng khác như Intel, Qualcomm, Broadcom và Google cũng vậy.
Đấy là về phần các công ty sản xuất phần cứng và các thiết bị phụ trợ, các công ty phần mềm của Mỹ cũng chịu liên đới. VMware, Red Hat, Microsoft, IBM, Oracle và thậm chí cả Dịch vụ web của Amazon – đơn vị cạnh tranh với dịch vụ điện toán đám mây của Huawei – cũng đang "làm ăn" với Huawei.
Trong một số trường hợp, Huawei mua phần mềm của những công ty trên cho nhu cầu phát triển hạ tầng của mình. Mặt khác, những công ty này kết hợp phần mềm của họ với phần cứng của Huawei để bán cho khách hàng chung của cả 2 bên. Thậm chí, Huawei và họ còn có hợp tác song phương – cùng nhau phát triển sản phẩm. Một số nhà cung cấp dịch vụ đám mây còn cho phép công ty Trung Quốc này bán phần mềm của mình trên nền tảng của họ.
Trước việc chính quyền Tổng thống Trump ban sắc lệnh cấm Huawei vào Mỹ, Oralce và Microsoft đã từ chối bình luận về những chính sách của mình liên quan tới hãng công nghệ Trung Quốc này.
Businesss Insider bình luận "không rõ là mọi mối quan hệ của Huawei trong giời công nghệ Mỹ có bị cắt ngay lập tức hay không. Nhưng chính quyền Trump đang có động thái ngăn các công ty Mỹ bán hàng hoặc chuyển giao công nghệ với Huawei mà không được phép của chính phủ. Và những giấy phép này không dễ mà có được".
Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc còn ảnh hưởng xấu tới các công ty phần mềm đa quốc gia bởi nhiều lý do khác nhau. Những công ty này bị siết chặt ở Trung Quốc hơn so trước đây. Còn theo quan điểm của Trung Quốc, một khi các công ty của Mỹ rút khỏi nước họ thì sẽ khó mà quay trở lại. Gần đây Oracle đã đóng trung tâm R&D của mình tại Trung Quốc khiến 1.000 người không có việc làm.
Sản phẩm của Mỹ bán tại Trung Quốc cũng gặp khó khăn. Ngay cả những công ty sản phẩm gia dụng của Mỹ cũng lo ngại rất nhiều.
Chính quyền Trump từ lâu đã nghi ngờ Huawei và cáo buộc công ty này ăn cắp bí mật thương mại. Cựu CEO của Cisco, ông John Chambers đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về Huawei từ năm 2012.
Mỹ cũng nhắm vào Huawei vì cuộc đua công nghệ cho tương lai. Huawei là doanh nghiệp dẫn đầu về cung cấp công nghệ hỗ trợ triển khai mạng không dây 5G. Đối thủ cạnh tranh của họ là Nokia và Ericsson nhưng Huawei có quy mô lớn hơn, có khả năng cung cấp công nghệ nhanh hơn và rẻ hơn.
Huawei đã có mối quan hệ không suôn sẻ với Mỹ trong một thập niên và căng thẳng lên đỉnh điểm vào tuần trước khi chính quyền Trump cấm Huawei mua linh kiện Mỹ và cấm công ty Mỹ sử dụng thiết bị viễn thông của hãng này. Ngày 20/5, Google và hàng loạt hãng chip Mỹ đã ngừng cung cấp phần mềm và linh kiện thiết yếu cho Huawei.
Đức Thanh (theo Business Insider)