Ngày 29/6, Bộ Công nghệ Ấn Độ tuyên bố các ứng dụng bị chặn vì "gây tổn hại tới chủ quyền, an ninh của Ấn Độ". Google và Apple được yêu cầu gỡ ứng dụng có mặt trong danh sách khỏi App Store và Play Store ở quốc gia đông dân thứ hai thế giới.
Lệnh cấm được đánh giá sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới các công ty Internet Trung Quốc như Bytedance, bởi họ đang đặt cược lớn vào Ấn Độ - một trong những thị trường về dịch vụ số lớn nhất hiện nay.
Bytedance, có trụ sở tại Bắc Kinh, đã lên kế hoạch đầu tư một tỷ USD để mở trung tâm dữ liệu và thực hiện các cuộc tuyển dụng lớn tại Ấn Độ. Số lượt tải ứng dụng TikTok tại nước này đạt 611 triệu, chiếm 30,3%, theo ước tính của công ty phân tích Sensor Tower hồi tháng 4.
Trong số những ứng dụng bị chặn còn có WeChat của Tencent, UC Browser của Alibaba và hai ứng dụng của Xiaomi. Tuần trước, các biển hiệu của Xiaomi tại Ấn Độ được dán đè lên bằng dòng chữ "Made in India". Hành động này vấp phải chỉ trích gay gắt từ cộng đồng người dùng Ấn Độ.
Google cho biết vẫn đang đợi lệnh từ chính phủ Ấn Độ, trong khi Apple chưa trả lời.
Xung đột chính trị giữa hai nước đang khiến thương mại tắc nghẽn và hàng hóa Trung Quốc bị tẩy chay tại Ấn Độ. Liên minh các thương nhân Ấn Độ, nhóm đại diện cho khoảng 70 triệu nhà bán lẻ, cho biết thành viên của họ sẽ "nói không" với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, dù biết sẽ chịu thiệt hại.
Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đang hoạt động tại Ấn Độ, trong đó có lĩnh vực thiết bị di động. 80% smartphone được bán tại quốc gia đông dân thứ hai thế giới là sản phẩm Trung Quốc, chủ yếu của Xiaomi và Oppo. Hiện Oppo cũng có nhà máy lắp ráp smartphone ở đây.