Theo Viện Nghiên cứu Chính sách Mỹ, số lượng học sinh quốc tế nhập học vào các đại học Mỹ cho kỳ mùa thu năm 2020-2021 được dự báo suy giảm từ 63% cho đến 98% so với năm học 2018-2019. Con số cụ thể có thể khoảng 6.000-12.000 học sinh mới, cho tới mức cao 87.000-100.000,
Mức 12.000 xảy ra trong trường hợp chỉ có học sinh mới từ Mexico và Canada, hai nước chung biên giới với Mỹ. Với những lo ngại kể cả từ phía hai nước này, số liệu bi quan nhất có thể chỉ là 6.000 du học sinh mới trong năm học tới.
Số du học sinh mới vào năm 1948-1949 là 7.800, năm đầu tiên được ghi nhận, theo Viện Giáo dục quốc tế. Và năm học cuối cùng số du học sinh mới xuống dưới 100.000 là 1981-1982.
Hai yếu tố chính ảnh hưởng đến số du học sinh mới của Mỹ. Đầu tiên là các cơ quan lãnh sự của Mỹ ở nước ngoài đang không phỏng vấn cũng như cấp visa mới cho tất cả đối tượng, kể cả du học sinh. Do vậy sẽ có rất nhiều du học sinh muốn tới Mỹ sẽ không thể nhận được visa du học kịp nhập học vào tháng 9 tới.
Thứ hai, kể cả khi lãnh sự mở cửa trở lại, không thể chắc chắn đất nước nào đang bị cấm nhập cảnh vào Mỹ sẽ được nhập cảnh trở lại trong thời gian ngắn, theo ông Jefffrey Gorsky, cựu giám đốc tư vấn pháp lý, văn phòng Visa của Bộ Ngoại giao Mỹ.
Theo chính sách hiện tại, tất cả người không có quốc tịch Mỹ, bao gồm cả du học sinh, sẽ không thể đến Mỹ nếu trong 14 ngày trước đó đã đến Trung Quốc, Liên hiệp Anh, Ireland, Iran, khu vực Schengen (phần lớn châu Âu) và Brazil, theo như tuyên bố của Tổng thống Donald Trump.
Những nước kể trên chiếm 40-50% tổng số học sinh quốc tế theo học ở Mỹ trong năm học 2018-2019.
Khi các lãnh sự Mỹ mở cửa trở lại, tất cả cơ quan ngoại giao Mỹ tại nước ngoài sẽ tiếp tục cung cấp visa trong trường hợp khẩn cấp hay cấp thiết, một nhân viên Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.
Sau đó, các cơ quan lãnh sự sẽ bắt đầu xử lý trường hợp visa như du khách có nhu cầu cấp thiết, học sinh (F-1 cho trường hợp học đại học, M-1 cho trường hợp học nghề, một số trường hợp J-1 cho chương trình trao đổi), và một số thân nhân của công dân Mỹ theo quy định cụ thể. Số lượng trường hợp visa được xử lý sẽ tùy thuộc vào hoàn cảnh từng khu vực. "Với du học sinh, việc cấm đi lại vẫn tiếp tục có hiệu lực", ông Gorsky nói.
Trước sự đóng cửa của các cơ quan lãnh sự Mỹ trên thế giới, chính quyền Tổng thống Trump còn tạo ra nhiều rối ren hơn với du học sinh. Ngày 6/7, chính quyền thông báo du học sinh "học toàn bộ online sẽ không thể ở lại trên lãnh thổ Mỹ". Do vậy, các sinh viên quốc tế mới sẽ chắc chắn không thể đến Mỹ nếu trường đại học quyết định chỉ cho học online trong kỳ học mùa thu tới.
Bà Miriam Feldblum, Giám đốc Liên hiệp các Chủ tịch Đại học về giáo dục và nhập cư, đánh giá sự sụt giảm số học sinh quốc tế mới sẽ rất lớn. Bà hy vọng trường hợp xấu nhất sẽ không chỉ có học sinh Canada và Mexico đến học mà còn có học sinh mới sẵn sàng di chuyển sang một quốc gia không bị Mỹ hạn chế đi lại và chờ 14 ngày để có thể tới Mỹ một cách hợp pháp.
Ngoài ra, bà Feldblum cũng đặt niềm tin vào sinh viên quốc tế mới đã có mặt ở Mỹ, những người đã học ở đây từ bậc phổ thông trước đó. "Nếu các lãnh sự bắt đầu lên lịch phỏng vấn visa trở lại và đẩy nhanh quá trình thì sẽ rất tốt", bà nói.
Alan W. Cramb, Chủ tịch Học viện Công nghệ Illinois, chia sẻ không hy vọng học sinh Trung Quốc nhập học vào mùa thu tới, tương tự có rất ít hy vọng với học sinh Ấn Độ. Ông gợi ý học sinh của châu Âu, Nam Mỹ và châu Á có thể đến, tùy thuộc vào tình hình song phương và dịch bệnh giữa hai nước.
"Các biện pháp mạnh tay và khó đoán mới của chính quyền... là sự ngăn cản đáng kể học sinh tiềm năng", bà Feldblum nói. Thêm vào đó, việc tiếp tục các hành động chống người nhập cư ở Mỹ, sự gia tăng của dịch bệnh Covid-19 và quan ngại của các gia đình về sức khỏe cộng đồng, sự an toàn ở Mỹ vẫn tiếp tục là những yếu tố lớn ngăn cản du học sinh tới Mỹ.
2020-2021 sẽ là một năm đầy khó khăn với giáo dục quốc tế, ngay cả khi kỳ học chưa bắt đầu. Trong khi viễn cảnh về học sinh mới nhập học trở nên ảm đạm, những hành động tích cực của các trường đại học, cao đẳng gần đây đã chứng tỏ quyết tâm mạnh mẽ để hỗ trợ học sinh quốc tế.
"Đây không còn là một sự cấp bách về đạo đức mà là sự cấp thiết của lợi ích, kinh tế quốc gia Mỹ", bà Feldblum nói.
Phan Nghĩa (Theo Forbes)